Tiêu điểm

Báo Bạc Liêu... tự giới thiệu

Thứ Hai, 19/06/2017 | 18:27

LTS: Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau, đến với nghề tuy kẻ trước người sau nhưng khi đã vào một mái nhà chung thì cũng khá hiểu về nết ăn nết ở của đồng nghiệp mình. Nhân ngày “tết nghề” 21/6, Báo Bạc Liêu xin giới thiệu những nhà báo cống hiến hết mình với nghề.

Biên tập viên Châu Loan: Nhà báo “đa năng”

Châu Loan đến với nghề báo như một sự tình cờ, bắt đầu bằng công việc… đánh máy, nhập liệu. Thế nhưng gần hai mươi năm gắn bó với nghề, nhìn lại chặng hành trình đó của chị, anh em đồng nghiệp không khỏi thán phục những cống hiến cho tờ báo từ một người làm báo đa năng như chị…

Gọi là đa năng vì bất cứ khâu nào, Châu Loan cũng có thể góp mặt và đóng góp công sức mình cho Báo Bạc Liêu. Khởi đầu chỉ bằng công việc gần như “thủ công” của nghề báo, đánh máy, nhập liệu, thế nhưng không lâu sau đó, Châu Loan đã định hình tên tuổi trong làng báo ngay những năm đầu sau khi Báo Bạc Liêu chính thức ra mắt. Châu Loan viết báo bằng cái nhìn nhạy cảm của một người phụ nữ tinh tế, thế nên những đề tài của chị cũng đa sắc màu, đó là những bài viết về nỗi niềm, thân phận của người phụ nữ, nạn trẻ em bị bỏ rơi, lao động nữ ở nông thôn…, và nhiều bài viết với chủ đề đa dạng, nhưng tựu trung lại những bài viết về phụ nữ, trẻ em luôn đọng lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Bẵng đi một thời gian, độc giả không thấy tên tuổi chị đặt dưới những bài báo, thay vào đó tên chị xuất hiện với tư cách một biên tập viên - một nhiệm vụ gần như đứng phía sau ánh hào quang của những bài báo hay, những nhà báo giỏi. Thế nhưng, một người đứng sau như chị đã đóng góp công sức, trí tuệ và tâm huyết không hề nhỏ! Nhận xét về chị, nhà báo Lê Minh Toàn, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, người trực tiếp quản lý công việc chuyên môn của chị chia sẻ: “Châu Loan đảm nhận rất nhiều công việc trong Phòng Thư ký tòa soạn như biên tập trang, khai thác thông tin mạng, trực online, sửa morat… nhưng nhiệm vụ nào Loan cũng hoàn thành tốt. Nói về nhà báo này là nói về một người làm nghề có năng suất, chất lượng, chính xác”.

Với chúng tôi, một đồng nghiệp đa năng như thế đáng để mình học hỏi, từ cách chị lao động miệt mài, dấn thân cho nghề đến cách làm một người phụ nữ dịu dàng, tinh tế, và biết… vào bếp để trở thành người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà đúng nghĩa.

C.T

Châu Minh Đạt: Nhà báo thành thị mê nông nghiệp

Nhà báo Minh Đạt (thứ hai từ trái sang). Ảnh: H.T

Nhà báo Châu Minh Đạt là dân thành thị chính gốc, gia đình anh vốn sống bằng nghề buôn bán lâu năm ở chợ. Nhưng khi bước chân vào nghề báo, duyên đã gắn anh với nghề nông và đến nay anh đã thật sự thành công ở vị trí một nhà báo chuyên sâu mảng nông nghiệp!

Là dân thành thị nên để viết về nông nghiệp, Minh Đạt đã phải học từ những thứ cơ bản nhất. “Xạ” là gì, lúc nào gọi là lúa ngậm sữa, phân biệt bằng mắt thường các giống lúa khác nhau như thế nào, các dịch bệnh thường có trong mùa nào… Viết về nông nghiệp thì phải hỏi nông dân, vậy là Minh Đạt cứ một mình một xe mà lân la về nông thôn, hỏi thăm mấy lão nông bất cứ khi nào có dịp. Cái vốn tích lũy từ mười mấy năm viết hầu hết là nông nghiệp, nông thôn khiến người đối diện có thể nhầm anh là nông dân nếu nghe anh thao thao bất tuyệt chuyện trồng lúa, nuôi tôm. Viết về nông nghiệp với cả sự yêu thích, am tường nên anh có thể “cự” với một cán bộ xã nếu họ nói không trúng, không ngại bày tỏ thái độ không vui trước đám ruộng không được chăm sóc kỹ. Vậy cho nên trong từng câu chữ của anh người đọc có thể nhận ra cái chân chất mộc mạc của nông dân nhưng nặng nghĩa nặng tình, đầy trăn trở, tâm huyết với mảnh ruộng, ao tôm. Trong các bài viết của mình, anh hoàn toàn đứng về phía nông dân để viết, để đòi hỏi câu trả lời thỏa đáng từ ngành chức năng. Minh Đạt không ngại đi, không ngại khổ bởi viết về nông nghiệp thì chưa bao giờ… sướng! Có dịch bệnh gia cầm, cứ gọi Minh Đạt. Có mô hình nông nghiệp nào mới có hiệu quả, Minh Đạt đều đến. Cứ như ngọn lửa nghề trong Minh Đạt chưa bao giờ ngừng cháy trong mười mấy năm cầm bút. Tác phẩm mới nhất đoạt giải Nhất Giải báo chí tỉnh Bạc Liêu lần thứ 20 - 2017 của anh và nhà báo Khả Trâm cũng xoay quanh đề tài: Khát vọng về con tôm sạch!

Ngoài những bài viết về nông nghiệp, Minh Đạt còn là một nhà nhiếp ảnh với tay nghề khá cứng. Và giống như niềm đam mê viết về nông nghiệp của mình, những tấm ảnh đẹp nhất của Minh Đạt cũng thể hiện góc nhìn về nông nghiệp, nông dân! Niềm đam mê đó, cứ đâu phải làm việc lâu năm mà có!

L.A

Nhà báo Thanh Hải: Lấy cái tâm nối những nhịp cầu

Nhà báo Thanh Hải (thứ ba từ phải sang) trao quà của công ty Tuấn Loan cho một gia đình bất hạnh. Ảnh: H.D

Không phải là nhà tài trợ, cũng chẳng nằm trong mảnh đời bất hạnh, nhưng với nhà báo Thanh Hải, một khi đã viết về họ thì cứ xem như có mình trong đó. Mỗi tác phẩm mà Hải viết lên từ những mảnh đời bất hạnh chứa đựng đầy ắp cái tâm, cái tình của người làm báo dành cho nhân vật của mình.     

Nhà báo Thanh Hải còn có bút danh khác là Mai Đinh. Mỗi năm trôi qua, Thanh Hải không thể nhớ nổi mình đã viết bao nhiêu bài kêu gọi xã hội chung tay cứu giúp những mảnh đời kém may mắn. Thanh Hải cho biết, được phân công phụ trách chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” trên báo Bạc Liêu, thì mình cứ viết và kêu gọi mãi khi xã hội còn cần tới mình. Có niềm tin tuyệt đối vào Thanh Hải, nên mỗi khi có bài đăng trên chuyên mục là những nhà hảo tâm quen thuộc mang tiền tới tận tòa soạn nhờ chuyển dùm cho nhân vật. Không phải viết chỉ để có nhuận bút, mà nhiều đồng nghiệp đều cảm nhận rõ ở sự day dứt trước những cảnh đời mà nhà báo Thanh Hải từng bắt gặp.  

Trong những chuyến công tác gần xa, hễ bắt gặp những hình ảnh, số phận bất hạnh là dường như chạm vào trái tim Thanh Hải. Chị tâm sự: “Có khi nhiều đêm liền mình trăn trở, suy nghĩ, nghiền ngẫm và các con chữ cứ thế tuôn dài theo cảm xúc. Và những nhân vật trong các bài viết của Thanh Hải trong những ngày tháng làm báo chưa bao giờ mờ nhạt đi. Đó có thể là sự trăn trở về cô học trò giỏi Phạm Thị Mỹ và hành trình “tìm lại” đôi tay liệt 14 năm của mình. Hay những yêu thương sâu tận đáy lòng khi cho ra tác phẩm “Chuyện người mẹ 10 năm giành sự sống cho con”…

Niềm vui vô bờ sau mỗi một lần cho đi dù đó chỉ là tấm lòng, là nhịp cầu đong đầy nhân ái như niềm cổ vũ động viên vô bờ giúp nhà báo trẻ Thanh Hải tiếp tục nối những nhịp cầu bằng chính cái tâm của mình trong cuộc đời làm báo.   

H.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.