Thanh thiếu niên

Thiếu nhi Bạc Liêu thi đua rèn luyện học làm người có ích

Thứ Tư, 07/11/2018 | 16:32

Học làm người có ích, sống có trách nhiệm, biết san sẻ yêu thương… là những phong trào được Hội đồng Đội các cấp phát động rộng rãi trong từng Liên đội. Và từ các phong trào này xuất hiện những tấm gương, câu chuyện cảm động về ý chí, nghị lực, lối sống đẹp trong học đường.

Học sinh TP. Bạc Liêu tham gia làm vệ sinh môi trường. Ảnh: Y.N

Cách đây không lâu, câu chuyện về em Hoàng Hồng Nhung, học sinh Trường tiểu học Nhà Lầu (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất được mọi người trong xã, giáo viên và học sinh truyền tai nhau khen ngợi. Trên đường đi học, gần đến cổng trường, Nhung vô tình nhặt được đôi bông tai, cô bé không nghĩ ngợi nhiều mà lập tức mang đến gửi thầy cô trong trường nhờ liên hệ trả lại cho người đánh rơi. Với những bạn nhỏ như Nhung thì đôi bông tai trị giá hơn 2 triệu đồng là món đồ có giá trị, tuy nhiên giá trị vật chất không đánh đổi được lòng trung thực của cô học trò nhỏ này. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Nhung cảm nhận được nỗi vất vả của ba mẹ mình hằng ngày trên đồng ruộng, luống rau. Đồng tiền làm ra rất đỗi nhọc nhằn, vì vậy cô bé thấu hiểu được nỗi buồn của người đánh mất của. Và quan trọng hơn, Nhung ý thức được sự thật thà, trung thực là đức tính quý báu mà mỗi người cần phải học, phải rèn luyện để trưởng thành. Hành động của em đã gieo thêm niềm tin về lòng tốt của con người, và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng…

Sinh ra trong gia đình đông anh em tại khóm 6 (phường 7, TP. Bạc Liêu), ngay từ nhỏ em Nguyễn Hồ Phương An, học sinh Trường THCS Trần Huỳnh đã nhận thức được những khó khăn của gia đình. Ngoài những giờ học trên lớp, An còn đi bán vé số phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Những vất vả, khó khăn không làm An tự ti, mặc cảm mà em càng lấy đó làm động lực để phấn đấu vươn lên, là một trong những tấm gương vượt khó tiêu biểu của trường. An chia sẻ: “Ngoài thời gian học trên lớp, cơm nước xong là em đi bán vé số. Tối, tầm 21 giờ trở về nhà, em tranh thủ coi bài và làm bài để mai đi học tiếp. Với em, chỉ cố gắng học thật tốt thì mới không phụ lòng ba mẹ và thầy cô”. Từ những gian khổ, khó khăn đã hun đúc cho cậu học trò nghị lực khát khao, vượt lên hoàn cảnh sống. Ngay cả ước mơ ấp ủ của em cũng chất chứa trong đó tình yêu thương, sự sẻ chia: “Sau này em muốn trở thành thầy giáo để dạy chữ và có điều kiện giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn giống như em. Em ước mong rằng, tất cả các bạn nhỏ sẽ không phải dang dở việc học giữa chừng vì nghèo khó”. Ở trên lớp, An rất nhiệt tình giúp đỡ bạn học kém, những bài nào các bạn không hiểu rõ, em đều giải thích cặn kẽ. Thầy Hồ Văn Khánh, giáo viên Trường THCS Trần Huỳnh, nhận xét: “Em An là người rất hòa đồng, học giỏi, hay giúp đỡ bạn trong học tập. Trong giờ học rất tập trung, bài vở lúc nào cũng chuẩn bị chu đáo và đặc biệt em luôn là học sinh gương mẫu của lớp. Vì thế không chỉ riêng tôi mà tất cả thầy cô trong trường đều rất yêu quý em”.

Thời gian qua, thiếu nhi tỉnh nhà sôi nổi với các phong trào thi đua rèn luyện, học làm người có ích. Các Liên đội đã triển khai các phong trào “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn vượt khó”… bằng các hình thức vận động tập vở, sách cũ, quần áo và đồ dùng học tập tặng thiếu nhi nghèo vào đầu năm học. Trong năm học qua, các Liên đội trong tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Ngôi nhà tình bạn”, “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, “Tấm áo tặng bạn” bằng cách vận động sách giáo khoa, quần áo tặng các bạn nghèo, ủng hộ trẻ em khuyết tật; tiếp tục duy trì và nhân rộng phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Áo lụa tặng bà”. Công tác “Trần Quốc Toản” ngày càng thu hút thiếu nhi tham gia và đã có rất nhiều công trình, phần việc ý nghĩa từ các Liên đội. Phong trào “Kế hoạch nhỏ” cũng được triển khai và nhân rộng bằng mô hình phát động thiếu nhi tích cực quyên góp giấy vụn. Ngoài ra, các Liên đội còn vận động đội viên, thiếu nhi nuôi heo đất tại nhà bằng cách tiết kiệm tiền ăn sáng, thu gom phế liệu đem bán lấy tiền bỏ ống heo. Phần lớn quỹ thu được từ các mô hình này được dùng vào việc khen thưởng, trang bị một số cơ sở vật chất tại đơn vị, phục vụ sinh hoạt cho thiếu nhi, tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.

T.A

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.