Thanh thiếu niên

Những nữ thủ lĩnh Đoàn làm kinh tế giỏi

Thứ Hai, 12/04/2021 | 15:53

Đâu chỉ nhiệt huyết, tiên phong trong mọi phong trào hành động cách mạng của địa phương, những nữ thủ lĩnh Đoàn ở huyện Hồng Dân còn hăng say lao động với quyết tâm làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Những mô hình kinh tế hiệu quả mà họ áp dụng đang góp phần làm lan tỏa, dấy lên phong trào thi đua phát triển kinh tế trong đoàn viên - thanh niên huyện nhà.

Hăng say lao động

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn thương phẩm của chị Nguyễn Thị Kim Anh - Bí thư Xã đoàn Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) ngay lúc chị đang thay nước cho lươn. Nhìn những con lươn vàng ươm, béo tròn chuẩn bị cho thu hoạch và giọng kể đầy say sưa về quá trình tham quan học hỏi kinh nghiệm, đến manh nha ý tưởng và triển khai thực hiện… của Kim Anh thì đủ biết tâm huyết mà chị dồn vào mô hình của mình lớn đến độ nào.

Kim Anh nhớ lại: “Trong một lần dẫn đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) của xã đến tham quan mô hình nuôi lươn thương phẩm của tổ hợp tác ở ấp Ninh Chài, lúc ấy lươn cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch, tôi thấy rất hay và có ý định thử nghiệm mô hình này tại nhà. Càng quyết tâm thực hiện hơn khi sau đó tôi lại tiếp tục đến thăm mô hình nuôi lươn thịt của một người bác và được động viên nuôi thử để phát triển kinh tế. Từ 2 bể nuôi thử nghiệm, tôi bắt đầu xây thêm nhiều bể khác để thuận tiện cho việc nuôi nối tiếp, ổn định nguồn lươn thịt cung ứng lâu dài. Sau một năm áp dụng mô hình, lứa lươn đầu tiên của tôi chuẩn bị xuất bán với giá 260.000 đồng/kg và hiện tổng đàn là hơn 14.000 con”.

Còn chị Thị Kim Trúc - Bí thư Chi đoàn ấp Kos Thum (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) thì chọn mô hình đa con để phát triển kinh tế gia đình. Từ nuôi ba ba thương phẩm, vợ chồng chị bắt đầu học tập thêm kỹ thuật ấp ba ba giống từ nguồn ba ba bố mẹ lấy thịt với mỗi đợt xuất bán khoảng 1.000 ba ba con (thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/đợt). Nếu thuận lợi, mỗi năm sẽ có từ 7 - 8 đợt xuất bán ba ba con, vì chị chỉ mất khoảng 45 ngày cho mỗi đợt ấp.

Chị Kim Trúc chia sẻ: “Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, ép ba ba con, vợ chồng tôi còn nuôi thêm cua đinh, ếch thịt, cá trê, tôm quảng canh, tận dụng bờ bao trồng thêm dừa, cây ăn trái. Hết vụ tôm, chúng tôi trồng vụ lúa và tranh thủ nhận gia công đồ thủ công mỹ nghệ để có thêm thu nhập. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được từ 60 - 80 triệu đồng. Hiện tại, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn, con cái được ăn học đàng hoàng…”.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh - Bí thư Xã đoàn Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) bên đàn lươn chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Đ.K.C

Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế mà bản thân đang áp dụng càng khiến các nữ thủ lĩnh Đoàn của huyện Hồng Dân thêm quyết tâm động viên, sẻ chia kinh nghiệm và đồng hành với ĐV-TN địa phương mình trong phát triển kinh tế gia đình.

Hiện tại, mô hình nuôi lươn thương phẩm của Kim Anh đang được nhiều ĐV-TN trong xã thử nghiệm và cho hiệu quả khả quan. Nhiều bạn đã tận dụng chuồng trại chăn nuôi không còn sử dụng để cải tạo thành bể nuôi. Tuy nhiên vấn đề lớn vẫn là nguồn vốn để mua con giống; tức là muốn triển khai mô hình mỗi bạn trẻ phải có khoảng 50 triệu đồng để làm vốn. Hiểu được khó khăn ấy, ngoài vai trò chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật, chăm sóc đàn lươn, Kim Anh còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để ĐV-TN tiếp cận các nguồn vốn vay hiệu quả trong phát triển kinh tế, áp dụng mô hình. Hiện nay, Kim Anh cũng đang nuôi thử nghiệm thêm cua đinh, ốc bươu đen và nếu hiệu quả thì chị sẽ tiếp tục động viên ĐV-TN địa phương triển khai, nhân rộng.

Vợ chồng chị Kim Trúc cũng không hề “giấu nghề” mà rất nhiệt thành trong chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật ép giống với ĐV-TN địa phương. Mỗi đợt sinh hoạt Chi đoàn ấp, vợ chồng chị lại tranh thủ dẫn ĐV-TN tham quan các mô hình tại gia, hướng dẫn cặn kẽ việc phát triển từng mô hình để các bạn trẻ tham khảo áp dụng. Và đã có rất nhiều ĐV-TN cải thiện được cuộc sống nhờ học hỏi các mô hình của vợ chồng chị.

Nêu gương và thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần làm giàu chính đáng trên quê hương chính là cách làm hay trong thu hút, tập hợp thanh niên mà các nữ thủ lĩnh Đoàn huyện Hồng Dân đang áp dụng.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.