Quốc tế

Vùng Vịnh sẽ nóng hơn vì hạt nhân của Saudi Arabia?

Thứ Tư, 30/10/2019 | 15:43

Không chỉ nóng vì dầu mỏ, vùng Vịnh nhiều khả năng sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới với tham vọng chương trình hạt nhân của Saudi Arabia.

Một lò phản ứng hạt nhân được tuyên bố là sử dụng cho mục đích nghiên cứu đang được khẩn trương hoàn thiện tại một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Giới chuyên gia nhận định, lò phản ứng này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Đây là cơ sở giúp Saudi Arabia đào tạo nhân lực chuyên môn, vận hành các lò phản ứng mà nước này dự tính sẽ xây dựng trong tương lai. Bắt đầu từ năm 2020, Saudi Arabia sẽ xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân dân sự. Các công ty năng lượng hạt nhân đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp đã tham gia đàm phán sơ bộ để đấu thầu cho dự án nhiều tỷ USD này.

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân đang trong quá trình hoàn thiện ở ngoại ô Riyadh. Ảnh: The Guardian

Saudi Arabia lần đầu tiên tuyên bố theo đuổi điện hạt nhân từ tháng 4/2010 với lý do nhu cầu điện năng tăng mạnh và mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Cường quốc dầu mỏ Trung Đông này đặt ra chiến lược “Tầm nhìn 2030”, theo đó, năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng 15% nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, xây dựng lò phản ứng mới chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm tham vọng hạt nhân của Riyadh. Khác với dầu khí, nhiên liệu hạt nhân rất nguy hiểm, có tính chất nhạy cảm nhất trong số các nguồn năng lượng con người biết đến. Do đó, quyết định về nguồn cung nhiên liệu này đã trở thành nguồn cơn của nhiều bất đồng giữa Saudi Arabia và IAEA, cũng như với các đồng minh.

Cơ sở khiến quốc tế quan ngại nằm ở chỗ, nếu để Saudi Arabia tự chủ nguồn cung, các tổ chức giám sát sẽ khó kiểm soát hoạt động làm giàu urani của nước này, thay vì nhập khẩu nhiên liệu ở mức độ làm giàu nhất định mà IAEA kiểm chứng được. Sự tồn tại của một chương trình hạt nhân mới là đủ để nhóm thêm một ngọn lửa căng thẳng nữa ở khu vực vùng Vịnh. Bởi nó có tiềm năng trở thành bước đầu cho mục đích hạt nhân hóa lực lượng vũ trang của một nước sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung trong khu vực. Trong khi đó, bên kia vịnh Ba Tư, cáo buộc sản xuất vũ khí từ công nghệ làm giàu urani cho lò phản ứng dân sự đang là tâm điểm của vấn đề hạt nhân Iran nhiều năm qua.

H.L.K (tổng hợp từ nguồn QĐNDO)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.