Quốc tế

Kêu gọi tiếp nhận người di cư một cách công bằng

Thứ Hai, 28/10/2019 | 15:56

Hàng ngàn người di cư muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Ðông và châu Phi vẫn vượt biển đến châu Âu, bất chấp nguy hiểm. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), từ đầu năm 2019 đến nay, có hơn 78.000 người di cư đến châu Âu, trong đó hơn một nửa là đến Hy Lạp. Khoảng 40% trong số đó là người di cư từ Afghanistan và khoảng 20% là người Syria.

Tàu cứu hộ cập bến Ý. Ảnh: THEGUARDIAN.COM

Trong năm 2019, số lượng người di cư đã được Tây Ban Nha tiếp nhận là gần 30.000 người, Ý là gần 8.000 người, Malta gần 1.600 người và Cộng hòa Síp vào khoảng 800 người. Hy Lạp là quốc gia cửa ngõ, đang phải đối mặt sự tăng mạnh của dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có khoảng 3,6 triệu người Syria đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng này buộc Hy Lạp phải triển khai các biện pháp mạnh như siết chặt biên giới và trục xuất nhiều người di cư hơn. Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp phát hiện và ngăn chặn người di cư bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.

Trong bối cảnh này, thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời giữa Ðức, Pháp, Ý và Malta nhất trí vào tháng 9 vừa qua sẽ cho phép việc tự động phân bổ người di cư được giải cứu tại Ðịa Trung Hải giữa các nước, tránh đặt gánh nặng lên các nước tuyến đầu như Ý, Hy Lạp. Nhằm thúc đẩy cơ chế tạm thời, 4 nước thành viên EU đã trình văn kiện thỏa thuận tại cuộc họp các bộ trưởng Nội vụ EU mới diễn ra ở Luxembourg. Tuy nhiên, cơ chế này chưa được nhiều nước đón nhận do một số nước EU cho rằng, cơ chế này sẽ khuyến khích thêm người di cư vượt biển.

Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn 1.000 người di cư chết trên biển Ðịa Trung Hải trong năm 2019, trong đó hầu hết các trường hợp xảy ra trên tuyến đường biển từ Lybia đến châu Âu. Người phát ngôn UNHCR cũng kêu gọi cần hành động khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề này.

Các nước EU, nhất là những quốc gia cửa ngõ châu Âu, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tiếp nhận người di cư, bởi kéo theo đó là những tác động đời sống kinh tế, xã hội mỗi nước. Trong khi kế hoạch tăng cường các biện pháp ngăn chặn lại khiến người di cư mắc kẹt và đối mặt với nguy hiểm trên biển. Do vậy, trước khi đi đến một giải pháp đạt được sự đồng thuận chung, các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các hoạt động cứu hộ trên biển; đồng thời sớm tiếp nhận và phân bổ người di cư một cách công bằng.

H.L.K (tổng hợp từ nguồn NDĐT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.