Quốc tế

Chống dịch trên mặt trận kinh tế

Thứ Hai, 16/03/2020 | 18:08

Ðại dịch COVID-19 đã lan rộng toàn thế giới, đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo rằng, tác động của dịch sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thế giới xuống dưới mức 2,9% của năm 2019. Trong bối cảnh này, cuộc chiến chống dịch đang ngày càng quyết liệt trên mặt trận kinh tế.

Ảnh minh họa: Internet

Đánh giá mới nhất của giới chuyên gia và các định chế tài chính những ngày gần đây đều bày tỏ sự quan ngại đại dịch đang “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF - K.Georgieva cảnh báo rằng, dịch không còn là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nỗ lực ứng phó chung. IMF nhận định, tác động của dịch COVID-19 sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thế giới, xuống dưới mức 2,9% của năm 2019. Trong khi đó, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển cũng dự báo, ngoài những thảm họa thảm khốc về con người do dịch, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng dịch bệnh sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế khi các doanh nghiệp đối mặt nguy cơ vỡ nợ, thị trường chứng khoán liên tục “đỏ sàn”. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nếu cộng thêm số nợ vay của các ngân hàng và những tổ chức tín dụng khác, các doanh nghiệp trên thế giới hiện có tổng số nợ lên tới 75.000 tỷ USD, cao hơn gấp hai lần so với mức 32.000 tỷ USD năm 2005. Những quả “bom nợ” của doanh nghiệp có nguy cơ gia tăng khi các doanh nghiệp đã đi vay quá nhiều, nhất là những công ty năng lượng, hãng hàng không, doanh nghiệp điều hành các tàu du lịch kinh doanh khó khăn và khó trả được nợ.

Trong bối cảnh nêu trên, hạn chế tác động tiêu cực của dịch về kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế lớn. Tại châu Âu, tâm dịch mới của thế giới hiện nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ EURO nhằm hỗ trợ các nền kinh tế khu vực. Trung Quốc cũng đã tung ra các biện pháp mới để vực dậy “sức khỏe” cho nền kinh tế thứ hai thế giới đang bị tác động bởi đại dịch. Tại các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các biện pháp “giải cứu” nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái cũng đã được lên kế hoạch và triển khai.

Thực tế nêu trên cho thấy, nạn nhân của dịch không chỉ là con người, mà còn là các nền kinh tế. IMF vừa đưa ra một nhận định rất chính xác rằng: Mức độ suy giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 sẽ phụ thuộc vào việc dịch kéo dài bao lâu và cách mà các chính phủ phản ứng như thế nào. Với các biện pháp ngày càng quyết liệt, kịp thời mà chính phủ các nước triển khai dập dịch cứu người và ngăn đà suy thoái kinh tế, giới đầu tư có thể hy vọng vào một “kịch bản tăng trưởng” kinh tế toàn cầu khả quan hơn những dự báo u ám hiện nay.

H.L.K (tổng hợp từ nguồn NDĐT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.