Quốc tế

Châu Âu đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư mới

Thứ Hai, 15/04/2019 | 16:53

Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư mới, khi trong tương lai gần, khoảng 70.000 người nhập cư bất hợp pháp có thể thâm nhập vào các quốc gia Tây Âu. Trong bối cảnh đó, “ngôi nhà chung” châu Âu cần một chính sách thống nhất về kiểm soát dòng người di cư để có thể ứng phó hiệu quả…

Hungary dựng hàng rào tại biên giới với Croatia để chặn người tị nạn. Ảnh minh họa: Reuters

Trong thư gửi tới Ủy ban châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Áo - Herbert Kickl bày tỏ lo ngại về khả năng dòng người di cư bất hợp pháp mới sẽ thâm nhập vào lãnh thổ các nước thành viên EU qua biển Địa Trung Hải và tuyến đường phía tây Balkan. Số lượng người nộp đơn xin tị nạn mới ở Tây Âu có thể lên tới 70.000 người.

Trước nguy cơ làn sóng di cư mới đổ về châu Âu, đầu tháng 4 này, Bộ trưởng Nội vụ Áo cho biết, Áo sẽ kéo dài cơ chế kiểm soát biên giới (sẽ hết hạn vào tháng 5 tới) đến tháng 11 để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Vào năm 2015, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, Áo đã tạm ngừng thực hiện Hiệp ước Schengen về tự do đi lại, vốn được một số nước châu Âu ký kết. Kể từ đó, cơ chế kiểm soát biên giới đã được Áo gia hạn nhiều lần.

Áo không phải là quốc gia EU duy nhất đóng cửa biên giới do làn sóng người tị nạn. Cũng vì lý do này, trong năm 2011 và 2015, Pháp đã đóng cửa biên giới với Italy. Các chuyên gia lưu ý, chính sách “cài then, đóng cửa” được người dân các nước châu Âu ủng hộ. Đơn cử như vào năm 2017, theo kết quả của Viện Thăm dò dư luận Ipsos (Pháp) thực hiện, gần một nửa công dân Pháp (46%) ủng hộ việc đóng cửa biên giới đối với người di cư.

Trong bối cảnh khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp, các nhà quan sát nhận định, EU đã chuẩn bị tốt hơn so với năm 2015 nếu phải đối mặt với dòng người tị nạn mới. Dẫu vậy, việc EU chưa tìm được “tiếng nói chung” trong chính sách di cư và hành động giải quyết vấn đề này một cách đơn phương của một số quốc gia thuộc liên minh này vẫn có thể gây những hậu quả khó lường cho châu Âu. Tìm hướng giải quyết cho những bất đồng về vấn đề người di cư bất hợp pháp được xem là phép thử đối với sự gắn kết của EU. Để đối phó với làn sóng di cư, EU cần nỗ lực quản lý vấn đề này theo các quy tắc rõ ràng và những chuẩn mực chung trong khối.

C.Q.B (tổng hợp từ nguồn QĐNDO)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.