Quốc phòng - an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế biển

Thứ Tư, 23/01/2019 | 16:29

Là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, Bạc Liêu luôn quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển và khu vực ven biển. Đặc biệt, từ khi tỉnh đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ở khu vực này được đặt lên một tầm cao mới. 

Bài 1: Kinh tế biển giúp tỉnh thực hiện mục tiêu lớn

Bài 2: Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Trong triển khai thực hiện các chương trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, các dự án đầu tư của tỉnh luôn đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ phòng thủ, quản lý, bảo vệ biên giới biển. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang nói chung, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nói riêng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, giữ vững an ninh, bảo vệ thành quả kinh tế biển của tỉnh. 

Quang cảnh cuộc diễn tập huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước ta (tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải). Ảnh: T.Đ

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh (2015 - 2018) cho thấy, UBND tỉnh đã ban hành 2 đề án, đó là Đề án bảo đảm quốc phòng tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều xác định tiếp tục xây dựng Bạc Liêu thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở mức khá cao và bền vững. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang gắn xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. 

PHÁT HUY TỐI ĐA SỨC MẠNH LỰC LƯỢNG CỦA NHÂN DÂN

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, chia sẻ: “BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, các dòng tộc, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, giáo dục người dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thông qua các tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện phong trào để nhân rộng trên địa bàn và lan tỏa rộng khắp”.

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia phát triển kinh tế - xã  hội ở địa phương. Tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình khó khăn, chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có người vi phạm cũng chính là cách để động viên, giúp đỡ họ vươn lên ổn định cuộc sống và sửa chữa sai lầm, hòa nhập cộng đồng. Việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc tôn giáo ở các xã, phường, thị trấn ven biển và những việc làm tình nghĩa giúp dân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã củng cố thêm sức mạnh khối đại đoàn kết ở khu vực phòng thủ ven biển của tỉnh.

Nhằm phát huy tối đa sức mạnh lực lượng của nhân dân, BĐBP tỉnh không ngừng củng cố, nhân rộng mô hình tổ an ninh tự quản; các câu lạc bộ Nữ phòng chống tội phạm, Thanh niên với pháp luật, Nông dân với pháp luật, Tuổi trẻ với biển đảo quê hương, Cột mốc chủ quyền… Những mô hình này trở thành hạt nhân trong phong trào xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng - an ninh (QP-AN) nhân dân vững chắc.     

CHÍNH QUYỀN CÙNG VÀO CUỘC

Ông Lê Hoàng Vinh, Phó Chủ tịch HĐND TP. Bạc Liêu, cho rằng thành phố luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo phân cấp. Từ đó, thành phố cùng lực lượng chức năng xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN; kết hợp xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực QP-AN trong khu vực biên giới biển. Các phường, xã ven biển đã được đầu tư, phê duyệt nhiều dự án với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung vào xây dựng và nâng cấp giao thông, lưới điện, trường học, trạm y tế, đào thông kênh, xây bờ kè đê kênh, xây cầu cống, bến neo đậu tàu cá an toàn… Trong đó, trọng tâm là dự án Nhà máy điện gió, Khu du lịch Nhà Mát, Quán âm Phật đài, Khu du lịch vườn chim, vườn nhãn, nhiều dự án thiết thực phục vụ sản xuất và du lịch.

UBND TP. Bạc Liêu đã chỉ đạo các ban ngành, lực lượng chức năng như: Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố, Công an thành phố phối hợp với Đồn Biên phòng Nhà Mát, Hải đội 2 và các địa phương huấn luyện, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển; bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội; cung cấp thông tin về phương tiện đường thủy của địa phương cho BĐBP tỉnh để quản lý, đăng ký kiểm chứng, kiểm soát khi ra vào hoạt động trong khu vực biên giới biển.

Ông Tô Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, chia sẻ: ngư dân của huyện đều tham gia mô hình Thuyền an toàn, bến tự quản, Tổ đoàn kết đánh bắt thủy sản trên biển hình thành theo 3 tuyến là tuyến khơi, tuyến lộng và tuyến bờ. Việc làm này vừa nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản, vừa củng cố sức mạnh để bảo vệ an ninh trật tự trên biển.

Bộ CHQS tỉnh cho biết, công tác tổ chức, biên chế, huấn luyện lực lượng dân quân biển được thực hiện thường xuyên, liên tục, sát với tình hình, nhiệm vụ của địa phương. Hàng năm, công tác giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là diễn tập sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng mọi mặt cho dân quân biển được coi là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài. Dân quân biển vừa tham gia đánh bắt, khai thác thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo sự liên kết và tăng cường sức mạnh cho ngư dân bám biển.

Thực hiện Nghị định 30 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển. Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải), dân quân biển của huyện được xây dựng thành một trung đội hoàn chỉnh, thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ biên giới biển và dọc bờ biển. Chính quyền địa phương trang bị hệ thống thông tin liên lạc, huấn luyện… để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà đầu tư, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Công an tỉnh đã củng cố hàng trăm tổ chức quần chúng. Hiện nay, trên địa bàn tuyến biển có 275 tổ nhân dân tự quản với 550 thành viên; 52 đội dân phòng với 226 thành viên; 29 tổ hòa giải với 319 thành viên. Trong đó, nổi bật là xây dựng mới 5 mô hình tự phòng - tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tuyến biển gồm 36 tổ với hơn 550 thành viên tham gia, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự”.

Lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã phối hợp với BĐBP tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020…

Tấn Đạt 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.