Những “cột mốc” chủ quyền giữa trùng khơi

Thứ Tư, 06/06/2018 | 15:55

Bạc Liêu có 56km bờ biển, ngư trường rộng hơn 40.000km2 cùng với đa dạng các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, vì vậy ngư dân có điều kiện, lợi thế để làm giàu. Với họ, biển luôn có sức hấp dẫn kỳ diệu, là quê hương thứ hai của mỗi người. Do đó, việc khai thác đi cùng với ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc đã trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của gần 7.000 ngư dân trong tỉnh. 

>> Bài 2: Tăng cường sức mạnh cho ngư dân

Bài cuối:  Giữ bình yên cho biển

Trong số đông lực lượng hiệp đồng canh giữ, bảo vệ sự bình yên vùng biển của Tổ quốc, gắn bó nhiều nhất với ngư dân chính là Bộ đội Biên phòng. Trên cơ sở đó, phóng viên Báo Bạc Liêu có cuộc phỏng vấn Đại tá Lưu Hoàng Hà, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh xung quanh công tác phối hợp, cùng nhau giữ gìn Tổ quốc trên biển. 

Đại tá Lưu Hoàng Hà.

PV: Xin Đại tá cho biết, BĐBP Bạc Liêu đã phối hợp với các lực lượng đứng chân trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư…) triển khai những biện pháp nào để đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế biển của tỉnh?

Đại tá Lưu Hoàng Hà: Công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các lực lượng quản lý nhà nước trên biển trong tình hình hiện nay. Xác định việc phối hợp là cần thiết, BĐBP Bạc Liêu đã chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4, lực lượng Kiểm ngư… triển khai đồng bộ biện pháp đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Cụ thể là tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt của các phương tiện và ngư dân; giám sát các tàu thăm dò, nghiên cứu khoa học; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Bảo đảm không có kẽ hở cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác hải sản, vận chuyển hàng hóa trái phép diễn ra. Qua đó còn bảo vệ tốt các nguồn tài nguyên và môi trường biển. Từ năm 2017 đến nay, BĐBP tỉnh đã phát hiện 14 vụ vi phạm lĩnh vực thủy sản, 7 vụ trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, phạt hành chính gần 200 triệu đồng; đồng thời tịch thu, bán phát mãi tang vật vi phạm sung quỹ nhà nước gần 170 triệu đồng. Duy trì việc trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình hoạt động của các loại tội phạm; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để tổ chức tốt biện pháp đấu tranh hiệu quả, không để xảy ra hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển, hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự trên biển. Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, không để bị động, bất ngờ. 

Cùng với đó, BĐBP cùng các lực lượng khác trên biển còn phát huy tối đa vai trò của tổ an ninh tự quản, tổ đội khai thác, đoàn kết sản xuất trên biển để họ kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động vi phạm trên biển; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động ngăn chặn và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) trước giờ lên đường tuần tra, kiểm soát vùng biển. Ảnh: N.Q

PV: Giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã được BĐBP triển khai ra sao, hiệu quả mang lại như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Lưu Hoàng Hà: Trên thực tế, việc tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt ngoại giao, kinh tế, pháp lý, hình ảnh của đất nước. Cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc các vùng biển, đảo của Việt Nam, các quy định về khai thác hải sản. Thông qua nội dung tuyên truyền làm cho ngư dân nhận thức đúng đắn về việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, tài liệu giấy tờ cho tàu và các thuyền viên; về tác hại của hành vi khai thác trộm hải sản vùng biển nước ngoài… Song song đó, chúng tôi đã triển khai cho 100% chủ phương tiện ký cam kết không đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; kêu gọi ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, khai thác ngư trường truyền thống.

BĐBP tỉnh còn thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ. Buộc chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết mở máy 24/24 giờ, thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định. Từ đó, cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý, theo dõi được các luồng, tuyến, khu vực hoạt động của phương tiện, kịp thời tiến hành các biện pháp xử lý khi có vụ việc xảy ra. Qua lắp đặt thiết bị, từ năm 2017 đến nay, BĐBP đã phát hiện 3 vụ với 3 phương tiện, 25 thuyền viên bị lực lượng chức năng In-đô-nê-xi-a bắt giữ.

Quá trình kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi đã chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng kiên quyết không cho ra biển đối với tàu cá không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm; không có giấy phép khai thác thủy sản; không trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, thiết bị hàng hải trên tàu. BĐBP còn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với trường hợp khai thác hải sản nước ngoài trái phép. Phạt tiền, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời buộc chi trả chi phí cho ngư dân trở về nước đối với chủ tàu cá, thuyền trưởng cố ý đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Qua công tác tuyên truyền, xử lý của cơ quan chức năng đã làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con ngư dân đối với tác hại của việc khai thác trộm hải sản nước ngoài.

PV: Nhằm thắt chặt hơn nữa nghĩa tình quân dân trên biển, BĐBP Bạc Liêu đã và đang hỗ trợ những gì để ngư dân có thêm động lực bám biển, bám ngư trường, góp phần giữ vững biên cương của Tổ quốc trên biển?

Đại tá Lưu Hoàng Hà: Ngư dân là lực lượng không thể thay thế trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trên biển. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ được BĐBP Bạc Liêu ưu tiên hàng đầu. Cùng ngư dân bám biển, bám ngư trường để ngư dân vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là mạch sống nối liền tình người, tình đời giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với bà con ngư dân.

Sắp tới, BĐBP tỉnh tiếp tục vận động trao tặng lá cờ Tổ quốc, áo phao, nhà tình nghĩa, tình thương…, tạo mọi điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển. Phối hợp với các lực lượng, địa phương làm tốt công tác thông tin về tình hình thiên tai, hệ thống đài trực canh được mở liên tục 24/24 giờ để liên lạc với các chủ phương tiện, thuyền trưởng; cột đèn báo bão phát tín hiệu định hướng, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân tìm nơi trú ẩn an toàn. Hoạt động ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu hộ, cứu nạn được triển khai nhanh chóng. Thời gian qua, các lực lượng đã cứu hộ, cứu nạn thành công 8 phương tiện với 35 ngư dân gặp nạn trên biển. Với sự nỗ lực của BĐBP, tính mạng và tài sản của ngư dân luôn được bảo vệ an toàn, sự gắn bó giữa ngư dân và các chiến sĩ biên phòng ngày thêm thắt chặt.

Cùng với đó, BĐBP đã tích cực tham mưu cho địa phương và các ngành chức năng tạo điều kiện pháp lý để bà con ngư dân được vay vốn lưu động; vay ưu đãi đóng mới tàu cá đủ sức vươn khơi đánh bắt dài ngày. Giúp đỡ ngư dân phát triển mô hình tổ, đội tàu thuyền đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất, tổ an ninh tự quản trên biển. Tham gia các mô hình trên, ngư dân càng có thêm điều kiện tương trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề đánh bắt hải sản, hỗ trợ BĐBP bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Ngoài ra, BĐBP còn tham mưu cho địa phương ven biển xây dựng bến bãi neo đậu tàu thuyền an toàn, văn minh; tạo luồng giao thông thông thoáng, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu neo đậu; vận động mạnh thường quân hỗ trợ, chăm lo đời sống cho bà con ngư dân để họ yên tâm giữ biển, giữ vững những “cột mốc” chủ quyền trường tồn.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

TẤN ĐẠT (thực hiện)

 

 
Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.