Lừa đảo công nghệ cao: Cẩn trọng để không sập bẫy

Thứ Tư, 08/01/2020 | 15:23

Nhiều người trong tỉnh đã bị bọn tội phạm lừa đảo bằng công nghệ và sập bẫy của chúng. Cận Tết Nguyên đán là thời điểm các hành vi gian lận, lừa đảo tiền bạc diễn biến khó lường, tinh vi, nên mọi người cần đề cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Giao diện và biểu tượng ứng dụng “Bộ Công an” do bọn tội phạm lập ra để lừa đảo. Ảnh: N.Q

Sáng 26/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh tiếp nhận thông tin bị lừa mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng của ông N.Q.T.

Ông T. trình bày, nhận được cuộc gọi từ một “cán bộ thuộc Bộ Công an” thông báo tài khoản ngân hàng của ông có thể đã bị lấy dữ liệu bất hợp pháp, nên yêu cầu tạo tài khoản mới. Sau đó, đối tượng gửi cho ông T. một liên kết truy cập để tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại di động. Nhấp vào liên kết, ông T. đã tải xuống 1 tệp có phần mở rộng .apk.

Khi cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” xong thì chiếc điện thoại của nạn nhân bị chiếm toàn quyền truy cập danh bạ, hình ảnh, tin nhắn SMS, video… Từ đó, đối tượng đã lấy được mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) khi đăng nhập tài khoản ngân hàng của ông T. và chuyển hết số tiền trong tài khoản sang một tài khoản ngân hàng khác.

Vào đầu giờ chiều cùng ngày, ông T. kiểm tra lại số tiền trên tài khoản mới tạo ở ngân hàng thì thấy đã bị rút sạch.

Cũng trong sáng 26/12/2019, có một cuộc gọi đến điện thoại bàn một cơ quan cấp tỉnh (tọa lạc tại phường 3, TP. Bạc Liêu) tìm gặp bà H.T.N. Người đàn ông nói giọng miền Bắc xưng là “nhân viên Bưu điện tỉnh” báo tin bà N. có mở một tài khoản ngân hàng tại Hà Nội (nhưng ngân hàng này không có chi nhánh tại Bạc Liêu), đang nợ trên tài khoản trên 36 triệu đồng. Ngân hàng đã 2 lần gửi giấy báo nhưng bưu tá không thấy bà N. ở cơ quan.

Không dừng lại ở đó, một lát sau có 3 người tự xưng là “cán bộ điều tra của Bộ Công an”, “nhân viên ngân hàng” và “nhân viên Tổng đài 108 Hà Nội” gọi điện thoại cho bà N. báo ngân hàng sẽ lấy tiền của bà N. từ tài khoản khác để thanh toán số nợ này, nếu không sẽ tống đạt quyết định tạm giam 2 tháng. Bà N. chia sẻ: “Nó (tội phạm) cuốn mình theo cuộc nói chuyện. Nghe đến việc sắp bị trừ nợ, ở tù thì tôi hoảng cả lên!”. Vì lẽ đó, bà N. đã cung cấp số chứng minh nhân dân theo chỉ dẫn của chúng. Song, rất may là vào thời điểm đó, đồng nghiệp kịp thời “lôi” bà N. ra khỏi cuộc nói chuyện. Khi đồng nghiệp bà N. gọi lại mấy số điện thoại vừa gọi đến thì không liên lạc được.

Dịp Tết Nguyên đán là lúc bọn tội phạm lừa đảo, trong đó có lừa đảo qua mạng xã hội, tin nhắn SMS, điện thoại… gia tăng hoạt động với các thủ đoạn tinh vi. Bọn tội phạm bày ra các chiêu để lừa lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, gạt nạn nhân tự chuyển tiền.

Hiện nay, xuất hiện rất nhiều chiêu trò của loại tội phạm công nghệ cao. Cho nên người dân cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay địa chỉ thư điện tử (e.mail) cho đối tượng khả nghi; đồng thời phối hợp với công an trong ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc xảy ra.

NGHĨA LẬP

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.