Làm gì để quản lý người tâm thần tại cộng đồng?

Thứ Sáu, 15/03/2019 | 16:17

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ giết người do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Bạc Liêu hiện có khoảng 2.700 người bệnh tâm thần đang sống trong cộng đồng, điều đó đòi hỏi công tác quản lý đối tượng này phải được làm tốt hơn.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh - nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần trong năm 2019.

NGƯỜI BỆNH VẪN SINH HOẠT TỰ DO... VÀ GÂY ÁN

Chiều 12/3/2019, tại xã Long Điền (huyện Đông Hải), mọi người không khỏi bàng hoàng khi nghe tin chị Nguyễn Kim Ngọc giết chết con gái 3 tuổi bằng búa ngay tại nhà. Theo lời kể, trong lúc 3 mẹ con đang ngồi chơi trước nhà, chị Ngọc ẵm bé T.K vào nhà tắm và sau đó không lâu xảy ra án mạng đau lòng. Chính quyền xã thông tin chị Ngọc mắc bệnh tâm thần từ năm 33 tuổi, trước tết Kỷ Hợi 2019, người thân bảo lãnh chị về khi chị đang điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai).

Đây là vụ án giết người thứ hai trong năm nay do người tâm thần gây ra. Cách đó không lâu, Dương Văn Úc (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đã bóp cổ vợ mình đến chết vào sáng 24/2. Nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần, sau khi gây án đã đến cơ quan công an đầu thú. Vụ án liên quan người tâm thần rúng động nhất là vụ Thạch Sà Khêl chém người hàng loạt xảy ra tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) vào chiều 24/7/2018, khiến nhiều người thương vong.

Một luật sư cho hay, hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, phần lớn họ vẫn sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát bệnh, người thân không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những vụ việc đau lòng nêu trên.

Điều 21, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phân tích khi nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần hoặc đang bị bệnh tâm thần, cơ quan tố tụng tiến hành các thủ tục giám định tâm thần đối với đối tượng thực hiện hành vi giết người. Kết luận giám định là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với đối tượng thực hiện hành vi giết người.

Một nữ bệnh nhân tâm thần ở huyện Hòa Bình được gia đình nhốt trong cũi để khỏi đi lang thang, có hành vi nguy hiểm cho người xung quanh. Ảnh: N.Q

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NGƯỜI TÂM THẦN

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 12.894 người khuyết tật, trong đó khuyết tật thần kinh, tâm thần là 2.705 người, chiếm 21%. Con người gồm 2 phần: cơ thể và tâm thần. Phần tâm thần phản ánh hoạt động của não, bao gồm các cảm giác, tri giác, tư duy, trí nhớ, trí tuệ, tình cảm… Khi phần này của một người bị mất cân bằng hay rối loạn thì người đó mắc bệnh tâm thần. Ở Bạc Liêu, người rối loạn tâm thần có nguyên nhân chủ yếu do nghiện rượu, chất kích thích (cần sa, hê-rô-in, ma túy đá…).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày tiếp nhận từ 10 - 20 bệnh nhân tâm thần ngoại trú ở phòng khám, và 4 - 5 bệnh nhân, có lúc lên đến 10 bệnh nhân nội trú tại khoa Tâm thần kinh. Khi điều trị nội trú ổn, bệnh nhân được cho về và tiếp tục điều trị tại nhà. Đa phần người bệnh tâm thần thường điều trị không dứt, chỉ làm giảm để họ có thể tự chăm sóc, lao động, học tập, sinh hoạt. Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc.

Từ đó cho thấy rằng tại một thời điểm tối đa chỉ có một số người bệnh tâm thần được nằm viện, còn lại đang được chăm sóc tại gia đình. Ông Nguyễn Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết đối tượng tâm thần do UBND cấp xã trực tiếp quản lý trên cơ sở hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH và Sở Y tế về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, phương pháp chăm sóc, theo dõi, khám chữa bệnh cho người tâm thần. Thực trạng này là cơ hội tốt để người bệnh được tái hòa nhập cộng đồng, song cũng đòi hỏi gia đình bệnh nhân có một trình độ nhận thức nhất định trong việc chăm sóc người bệnh tại nhà. Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Tâm thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân tâm thần được điều trị theo hệ thống mở để họ không suy sụp tinh thần, tức kết hợp điều trị thuốc và tái thích ứng xã hội (lao động, vui chơi, nghỉ ngơi…). Trong thời gian trị bệnh, bệnh nhân vẫn có thể lao động tạo ra của cải vật chất, tham gia học tập và các hoạt động có ích khác.

Bạc Liêu chưa có trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, trong khi diễn biến các đối tượng tâm thần diễn ra phức tạp, cho nên tỉnh đã gửi 42 người tâm thần nặng, đặc biệt nặng tại Trung tâm Tâm thần tỉnh Cà Mau. Song, hiện Trung tâm này đang nâng cấp, tạm ngừng tiếp nhận nên hiện còn 7 trường hợp tâm thần bức xúc của Bạc Liêu chưa biết gửi ở đâu. Riêng tại TP. Bạc Liêu, trong số 225 người bị bệnh tâm thần, trên 95% đang ở gia đình; còn Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) thành phố đang nuôi dưỡng 58 người. Bà Lê Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu trong một công văn gửi Sở LĐ-TB&XH vào cuối năm 2018 nêu: “Điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ người bệnh tâm thần rất hạn chế; và 2 trong số 3 nhân viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì đang đi học dài hạn”.

Trước tình hình này, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo dời TTBTXH TP. Bạc Liêu về TTBTXH tỉnh, lấy đất TTBTXH thành phố làm cơ sở quản lý người tâm thần trong thời gian mở rộng TTBTXH tỉnh. Tỉnh đang tiến hành xây TTBTXH tỉnh giai đoạn 2 trên diện tích 21.000m2 để làm nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ tỉnh 20 tỷ đồng trong năm 2019 và 2020 để thực hiện công tác này. Còn trước đây, UBND tỉnh đã ra quyết định 1298/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 ban hành kế hoạch trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020.

NGUYỄN QUỐC

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Tâm thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 3 biểu hiện cần đưa bệnh nhân đi điều trị nội trú

Khi đang uống thuốc điều trị bệnh tại nhà, người bệnh tâm thần có một trong những biểu hiện sau thì người thân cần đưa họ đi khám chuyên môn, điều trị nội trú:

- Bệnh nhân mất ngủ 3 - 4 đêm;

- Bệnh nhân có biểu hiện kích động, đập phá vô cớ, có ảo giác, hoang tưởng, có hành vi nguy hiểm cho bản thân, người xung quanh và cộng động;

- Bệnh nhân buồn, chán nản, vô cảm, có ý định tự tử.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.