Hướng về biển, đảo thiêng liêng - Bài 2: Mạnh về biển, giàu từ biển

Thứ Tư, 07/11/2018 | 15:43

Bài 1: Tuyên truyền toàn dân, toàn diện

Bài 2: Mạnh về biển, giàu từ biển

Cùng với cả nước, Bạc Liêu đang hướng ra biển để phát triển kinh tế địa phương. Trong tiến trình ấy, công tác tuyên truyền về biển, đảo được chủ động thực hiện trước một bước nhằm nâng cao nhận thức của toàn đảng bộ, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia.

BĐBP tỉnh tuần tra bảo vệ vùng biển của tỉnh.

Ngành khai thác thủy hải sản đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Muối - một trong ngành kinh tế biển truyền thống được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Ảnh: N.Q - P.T.C

Trung ương xác định Bạc Liêu là “tọa độ” phát triển mới. Khu vực biên giới biển có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, từ đó Bạc Liêu đề ra định hướng phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

TOÀN DÂN BẢO VỆ BIÊN GIỚI BIỂN

Vừa qua, tại hội trường UBND xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), cán bộ tuyên huấn Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã giới thiệu với người dân và cán bộ địa phương những nội dung trọng tâm của Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam; công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; công tác quản lý hoạt động của người và phương tiện trong khu vực biên giới biển. Đồng thời hướng dẫn người dân tham gia phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (TDTGBVCQLT, ANBGQG). Cách trình bày cô đọng, nhiều hình ảnh minh họa, có liên hệ thực tế của địa bàn, chỉ dẫn cụ thể nên cán bộ và bà con dễ tiếp thu và làm theo. Sau xã Vĩnh Trạch Đông, hoạt động này sẽ diễn ra ở 9 xã, phường, thị trấn ven biển còn lại của tỉnh. Đây là một giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân.

Khu vực biên giới biển có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Địa bàn này thường là mục tiêu các thế lực thù địch lợi dụng, kích động thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Huệ, Chính ủy BCH BĐBP tỉnh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân không chỉ nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, Đảng ủy - BCH BĐBP tỉnh đã duy trì tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, chỉ đạo đội ngũ cán bộ thường xuyên bám, nắm địa bàn theo phương châm “3 bám, 4 cùng”. Giới thiệu đảng viên các Đồn biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tại chi bộ khóm, ấp thuộc các xã, phường, thị trấn ven biển. Song song đó, lực lượng BĐBP cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức gần 700 tập thể là các khóm, ấp, doanh nghiệp, nhà thờ, nhà chùa, tổ tàu thuyền và 21.200 hộ (chiếm khoảng 70% số hộ sống ven biển) ký cam kết tham gia thực hiện phong trào TDTGBVCQLT, ANBGQG.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN BỀN VỮNG

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Bạc Liêu - một địa phương có biển - cũng sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh vào cuối năm 2018.

Có thể khẳng định, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến kinh tế biển. Ngày 7/6/2007, Tỉnh ủy đề ra Chương trình hành động số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Năm 2008, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Những năm sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã. Sự quan tâm ấy đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong các ngành kinh tế thuần biển, cải thiện bộ mặt các địa phương ven biển và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của 417.600 người dân nơi đây.

Ngành kinh tế biển truyền thống của tỉnh là làm muối, nuôi trồng và đánh bắt cá tôm. Năm 2017, bà con ra khơi khai thác được 112.000 tấn thủy hải sản, tăng 4,3% so với năm 2016. Sản lượng này được khai thác chủ yếu từ các tàu, thuyền có công suất 90CV (mã lực) trở lên. Đến nay, đội tàu từ 90 đến trên 400 mã lực chiếm 48% trong tổng số 1.148 chiếc tàu khai thác thủy sản của tỉnh (tỷ lệ này vào năm 2010 là 34%). Việc khai thác thủy sản tăng trưởng đã thúc đẩy ngành chế biến đi lên. Năm 2017, tỉnh đã xuất khẩu 68.300 tấn thủy sản đông lạnh; diêm dân và các nhà máy đã sản xuất 36.100 tấn muối thô và 8.250 tấn muối I-ốt.

Bên cạnh duy trì, nâng cao giá trị gia tăng các ngành kinh tế biển, tỉnh còn kêu gọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực ven biển ở nhiều lĩnh vực. Hiện, Bạc Liêu đã có nhà máy điện gió lớn nhất ĐBSCL, một số khu du lịch; nhiều cơ sở sản xuất tôm giống, nuôi tôm nguyên liệu gắn chặt với bảo vệ môi trường tầm cỡ quốc gia.

Sắp tới, Bạc Liêu sẽ còn nhiều dự án kinh tế động lực được triển khai thực hiện, có thể kể đến là: Dự án sản xuất điện mặt trời; Dự án cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí công suất 3.200MW với tổng mức đầu tư tương đương 4 tỷ USD…

NGUYỄN QUỐ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.