Cựu chiến binh giúp nhau vượt khó, phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 02/08/2019 | 15:43

Rời quân ngũ, các cựu chiến binh (CCB) mang tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” của người lính Quân đội nhân dân vào trận chiến mới không kém phần gay go, khốc liệt - đó là xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi. Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, gia đình, nhiều CCB còn giúp đỡ nhau, hỗ trợ người dân địa phương giảm nghèo, vươn lên khá giả.

 Hội thảo nhân rộng mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo do Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Bạc Liêu (tháng 6/2019).

Hơn 800 hội viên thoát nghèo

Những năm qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sản xuất, kinh doanh giỏi, thể hiện vai trò CCB trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Hàng năm, các cấp Hội CCB Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp hàng trăm CCB, hàng ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xóa nhà dột nát, tạm bợ.

Hội CCB tỉnh có 13.529 hội viên, trong đó hội viên nghèo còn 420 hộ, chiếm 3,1% (giảm 806 hội viên CCB nghèo so với năm 2016). Theo ông Đinh Hoàng Thơm, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, công tác xây dựng mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo gặp nhiều thuận lợi. Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực, tỉnh trung bình khá trong cả nước, thực hiện phong trào Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và Hội CCB các cấp trong tỉnh xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, hội viên CCB giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Đến nay, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã xây dựng trên 200 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm, cá biệt có người thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Đồng thời thành lập quỹ hùn vốn cho hội viên vay với lãi suất thấp hoặc cho mượn để mua con giống, thức ăn, làm dịch vụ… Điển hình như Hội CCB huyện Đông Hải có quỹ hùn vốn lên tới 3,2 tỷ đồng, đạt bình quân 1,15 triệu đồng/hội viên. Hay mô hình “5+1”, tức 5 hội viên giúp 1 hội viên giảm nghèo. Nhiều CCB áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh, tôm sú và cua vùng nước mặn, lợ quanh năm; kết hợp với trồng lúa - nuôi tôm; lúa - cá; nuôi rắn ri voi, rắn ri cá và nuôi ếch (huyện Hồng Dân) cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/năm.

CCB Phan Văn Quyến (bên phải) đã giúp 20 người thoát nghèo. Ảnh: N.Q

Giúp nhau làm giàu

Ông Phan Văn Quyến (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1997 trở về địa phương và mua mảnh đất 1.000m2 để cất căn nhà tạm. Những năm 2000, xã có chủ trương chuyển đổi mô hình từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp nên ông đã xây 4 hồ ương tôm giống để bán. Với nghề kinh doanh tôm giống, ông  Quyến thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Năm 2005, việc bán tôm giống không còn thuận lợi, ông Quyến chuyển sang bán thức ăn tôm, thuốc thủy sản, mua thêm đất nuôi tôm, trồng lúa. Với cách làm này, nguồn thu của gia đình ông tăng lên gấp đôi, giúp cho 3 lao động địa phương có việc làm thường xuyên, tạo điều kiện cho 7 hội viên CCB có việc làm; hỗ trợ người nuôi có tôm bị thiệt hại, kể cả khoanh nợ cho hộ nuôi tôm. Từ sự giúp đỡ của ông Quyến, 20 hộ gặp khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Dù gia đình đã có của ăn của để, song lúc nào ông Quyến cũng tâm niệm phải chí thú làm ăn, học hỏi, chia sẻ cách làm với bà con, nhất là với đồng đội trong tổ chức CCB.

Còn CCB Trần Bình Tống (ấp Bửu I, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) nhập ngũ từ năm 1973. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xin xuất ngũ do gia cảnh khó khăn. Bằng nghị lực bản thân và với truyền thống bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu cái nghèo, ông Tống mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Qua 20 năm nuôi tôm, giờ đây gia đình ông Tống đã có của ăn của để. 

Người CCB này luôn nhớ đến đồng chí, đồng đội năm xưa, nay mỗi người mỗi cảnh, nhưng phần lớn là nghèo vì không có phương tiện, đất đai sản xuất. Ông Tống đi gặp các CCB nghèo trong ấp, khuyên họ chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp. Ông sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi, giúp con giống và bảo lãnh thức ăn tôm của các đại lý. Ban đầu chỉ có 5 hộ CCB đồng ý tham gia. Năm đầu tiên có 4 hộ thu hoạch tôm và lãi 100 - 200 triệu đồng/hộ, 1 hộ hòa vốn. Thấy vậy, cả 5 hộ mở rộng nuôi tôm sú công nghiệp và tiếp tục thắng lớn, mỗi hộ lãi hơn 500 triệu đồng. Các năm sau đó, những hộ CCB nghèo có đất sản xuất chủ động nuôi tôm, cua, cá kèo; còn hộ ít đất thì mua bán nhỏ. Sự vươn lên của CCB đã góp phần đưa ấp Bửu I trở thành địa bàn không còn hộ nghèo.

Hội CCB tỉnh đặt mục tiêu năm 2019 là giảm hộ hội viên CCB nghèo còn dưới 3%; phấn đấu 50% xã, thị trấn, phường, và TP. Bạc Liêu không còn hội viên nghèo; xóa nhà tạm bợ đạt từ 70% trở lên. Các chỉ tiêu ấy có khả năng đạt được bởi ý chí tự lực cánh sinh và tinh thần đoàn kết, tương trợ của từng CCB.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.