Cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa

Thứ Sáu, 04/01/2019 | 15:21

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019)” đã diễn ra vào chiều 28/12/2018. Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức.

Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước (bên phải) dâng hương tại tượng đài Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (tỉnh An Giang). Ảnh: Gia Khánh

Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại thủ đô Phnôm Pênh. Ảnh: H.A.T

BIỂU TƯỢNG CAO ĐẸP CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT

Trình bày đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh: “Thời gian trôi đi, nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn Pôn Pốt gây ra vẫn khó có thể phai mờ. Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, Campuchia cũng như nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới”.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, khẳng định: “Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia”.

Từng là những người một thời cùng chiến hào với Việt Nam chống kẻ thù xâm lược chung, thậm chí đã được quân, dân Việt Nam chở che, đùm bọc trong những hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sary đã phản bội cách mạng, dã tâm xâm lược Việt Nam. Đó là bản chất của những kẻ “dân tộc hẹp hòi, đội lốt cách mạng để thực hiện những hành động phản cách mạng, phản bội lại bạn bè và hủy diệt chính dân tộc mình”. Chúng đề ra cái gọi là “Đường lối chiến đấu mới”, trong đó xác định: “Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài, có tính chất gặm nhấm, ta không đánh nó trước thì ta không thắng…”.

“BỘ ĐỘI NHÀ PHẬT” GIẢI PHÓNG CAMPUCHIA

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có chung khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Thế nhưng, sau khi lên cầm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sary đã phản bội lại nhân dân Campuchia, phản bội lại lợi ích dân tộc, thi hành chính sách đối nội, đối ngoại cực kỳ phản động, hiếu chiến và tàn bạo.

Đối với Việt Nam, Pôn Pốt chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa 2 nước, kích động xét lại quan hệ 2 nước, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại thường dân. Ngạo mạn và hết sức phản động, ngày 8/1/1978, Pôn Pốt tuyên bố trên Đài Phát thanh Phnôm Pênh: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”.

Đến tháng 12/1978, Pôn Pốt huy động 10 sư đoàn mở cuộc tổng tiến công trên toàn tuyến biên giới. Trước hành động xâm lược đó, quân và dân Quân khu 9 đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình. Đồng thời đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ta mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới, phá vỡ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã ba cụm quân chủ lực án ngữ các trục đường tiến vào thủ đô Phnôm Pênh - đầu não của chế độ diệt chủng.

Trong cuộc tổng phản công, theo Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao; giải phóng gần nửa triệu người Campuchia, cùng các đơn vị của Bộ và lực lượng bạn giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Mặc dù thời gian gấp gáp, song các đơn vị của Quân khu đã làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, bảo đảm các bước tạo thế và đột phá bí mật, bất ngờ, tập trung đủ sức mạnh để giải quyết các mục tiêu theo quy định. Vận dụng các chiến thuật luồn sâu, lót sẵn, nhanh chóng vu hồi, thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy các sư đoàn, phá vỡ nhanh tuyến phòng thủ của địch, tạo bất ngờ, làm cho địch không kịp phản ứng, tạo thời cơ cho các đơn vị chủ lực tiến công. Mặt khác, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo LLVT các tỉnh kịp thời truy quét tàn quân địch, hỗ trợ cho các đội vũ trang công tác tuyên truyền, vận động quần chúng kêu gọi địch ra hàng; cứu đói, cứu đau cho hàng vạn nhân dân Campuchia.

Sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đầy đen tối của chế độ diệt chủng nên khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia, nhân dân nước này đã đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết, cho đó là một sự kỳ diệu đưa họ từ cõi chết trở về, gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật”.

Tại hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu: “Tự hào, biết ơn công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, xác định rõ đối tượng, đối tác của cách mạng, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập, chủ quyền của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Nguyễn Quốc

---------------------------------------------------

Gần 2 năm chiến tranh, Pôn Pốt giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam; 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 căn nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá.

(Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, quyển 1, NXB QĐND, 2015)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.