Công nhận 12 đội viên dân quân trận Giồng Bốm là liệt sĩ sau 73 năm hy sinh

Thứ Sáu, 26/07/2019 | 16:59

“Ai qua Giồng Bốm hôm nay/ Nhớ ngày khởi nghĩa chống Tây năm nào”. Câu ca dao nhắc tới sự kiện hàng ngàn tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cụ Cao Triều Phát tham gia trận đánh thực dân Pháp tại Tòa thánh Ngọc Minh (Thất Giồng Bốm) năm 1946. Sau 73 năm hy sinh, 12 đội viên trong trận đánh ấy được Chính phủ công nhận là liệt sĩ.

Nơi thờ 137 đội viên hy sinh trong trận Giồng Bốm ngày 15/4/1946 tại Tòa thánh Ngọc Minh (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai). Ảnh: N.Q

Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), sáng 22/7/2019, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 72 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 468 thân nhân liệt sĩ trong cả nước. Bạc Liêu có 2 thân nhân liệt sĩ đại diện cho các gia đình liệt sĩ trận Giồng Bốm lên nhận Bằng Tổ quốc ghi công.

Bà Võ Thị Lào (82 tuổi) từ Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long) lên Sở LĐ-TB&XH vào chiều 21/7/2019 để đi cùng đoàn lên Vĩnh Long nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho bà ngoại là bà Nguyễn Thị Lành. Khi hay tin Thủ tướng Chính phủ công nhận bà ngoại là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, bà Lào vui mừng khôn xiết. Còn ông Trương Hùng Cứ (xã Long Điền, huyện Đông Hải) đi nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho cha dượng là ông Lê Văn Từ và cậu Ba là ông Phan Văn Chia. Ông Cứ chia sẻ: “Khi nhận Bằng Tổ quốc ghi công từ Chủ tịch Quốc hội trao, tôi xúc động đến rơi nước mắt”.

Ngoài thân nhân của 3 liệt sĩ nêu trên, thân nhân của 9 liệt sĩ trận Giồng Bốm còn lại sẽ được chính quyền địa phương tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công. Ông Tăng Văn Mít (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) cầm bản sao danh sách 137 người hy sinh trong trận Thất Giồng Bốm, chia sẻ: “Khi bà ngoại tôi là bà Châu Thị Tỵ được công nhận liệt sĩ, gia đình vui lắm, bởi đã chờ đợi quá lâu!”. Con gái của bà Tỵ là bà Nguyễn Thị Lượm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các con cháu bà của Tỵ sau này đều theo Đảng kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 23/9/1946), ông Cao Triều Phát, người sáng lập Thất Giồng Bốm đã chủ trì “kháng đại hội nghị” tại tòa thánh, có sự tham gia của hàng ngàn tín đồ Minh Chơn đạo ở Bạc Liêu, Cà Mau. Trận Giồng Bốm kết thúc vào ngày 15/4/1946, các “nghĩa quân áo trắng” tiêu diệt 100 tên địch, nhưng đổi lại là 137 đội viên dân quân hy sinh, Tòa thánh Ngọc Minh bị Pháp phá hủy. Tháng 4/2011, UBND tỉnh đã công nhận trận Thất Giồng Bốm là di tích lịch sử.

Nguyễn Quốc

12 liệt sĩ trận Giồng Bốm

1. Nguyễn Thị Lành (SN 1907, nguyên quán: xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai);

2. Châu Thị Tỵ (SN 1896, xã Long Điền, huyện Đông Hải);

3. Phạm Văn Tao (SN 1926, xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai);

4. Phạm Văn Khuê (SN 1912, xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai);

5. Hà Văn Cai (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai).

6. Trần Văn Lượm (SN 1882, xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai);

7. Phan Văn Chia (SN 1914, xã Long Điền, huyện Đông Hải);

8. Lê Văn Từ (SN 1911, xã Long Điền, huyện Đông Hải);

9. Trần Văn Chiếu (SN 1932, xã Thuận An, huyện Hà Tiên, Kiên Giang);

10. Tô Văn Kiên (SN 1927, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau);

11. Nguyễn Văn Trọng (SN 1920, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau);

12. Nguyễn Văn Chơi (SN 1921, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.