Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025: Lấy phòng ngừa là chính

Thứ Hai, 27/09/2021 | 16:51

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1452 về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy (MT) giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đề ra nhiệm vụ, giải pháp toàn diện; lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn MT từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của MT.

Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy khu vực ven biển.

KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ MT

Theo Chương trình, từ nay đến năm 2025, Thủ tướng giao các cấp, các ngành chức năng liên quan phải phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện MT và số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn MT dưới 1% so với năm trước. Trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện MT, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Số vụ phạm tội về MT được phát hiện, bắt giữ hàng năm tăng từ 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án MT được giải quyết, xét xử; 100% vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất MT qua đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ. Số điểm, tụ điểm phức tạp về MT được triệt xóa tăng từ 5% so với năm trước; không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp mới. Phấn đấu đến năm 2025 triệt xóa trên 80% số “điểm nóng” về MT.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống MT với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại 100% số xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chất lượng, số lượng tin, bài, sản phẩm truyền thông về phòng, chống MT tăng hàng năm. Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất MT, tiền chất; xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất MT. Song song với đó là tăng cường hợp tác đấu tranh với tội phạm MT xuyên quốc gia. Trước hết là hợp tác nâng cao hiệu quả phối hợp phòng, chống MT với các nước có chung đường biên giới.

TRÁCH NHIỆM RÕ RÀNG

Trong Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho nhiều bộ, ban ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác phòng, chống MT từ nay đến năm 2025. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH được giao chỉ đạo và quản lý thống nhất việc tổ chức phòng ngừa nghiện MT, cai nghiện, tổ chức giáo dục, dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng đã cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác cai nghiện MT tại các cơ sở cai nghiện.

Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, Bộ TT-TT, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội LHPN, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng ngừa nghiện MT, cai nghiện MT, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sau cai khác. Ngoài ra, còn chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện MT và phòng ngừa nghiện MT đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất MT”.

Các dự án bao gồm: Tiểu dự án 1: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện MT, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện MT”; Tiểu dự án 2: “Phòng ngừa nghiện MT đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất MT”.

Các bộ, ban ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình; tổ chức xây dựng và phối hợp triển khai các dự án. Sơ, tổng kết định kỳ (6 tháng và hàng năm), sơ kết giữa kỳ (năm 2023) và tổng kết có báo cáo về Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng cất giấu ma túy trong 3 trái cam rồi vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Bạc Liêu bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: T.Đ

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống MT; nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người dân; phát hiện, tố giác với chính quyền, công an về đối tượng hoạt động phạm tội, các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất MT. Vận động Nhân dân, nhất là tại các địa bàn miền núi, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số không trồng cây có chứa chất MT, không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất MT.

Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho người dân về tác hại của MT; phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh MT thâm nhập vào đời sống, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của các loại MT tổng hợp.

Ngành Công an và LĐ-TB&XH tổ chức rà soát, thống kê chính xác, lập danh sách người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT theo những tiêu chí cụ thể, thống nhất; có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất MT vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng bị ảo giác, loạn thần cấp do sử dụng MT có hành vi phạm tội. Tích cực thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện MT vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiện MT, cai nghiện MT và hỗ trợ người nghiện MT hòa nhập cộng đồng. Lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp, có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện; quan tâm giới thiệu, tạo việc làm, các hoạt động hỗ trợ khác và môi trường sống lành mạnh cho người sau cai.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị cần nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống tội phạm MT của các lực lượng chuyên trách. Tập trung triệt phá các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm về MT, nhất là các tổ chức, đường dây hoạt động xuyên quốc gia, các băng nhóm tội phạm có vũ trang vận chuyển trái phép MT qua biên giới. Cần đấu tranh đồng bộ, liên hoàn trên các địa bàn trọng điểm, bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu, truy nguyên nguồn gốc MT. Phát hiện và kịp thời đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng xuất, nhập khẩu để vận chuyển trái phép chất MT qua cửa khẩu, cảng biển. Đặc biệt là ngăn chặn không để tội phạm MT lợi dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất, tàng trữ, trung chuyển MT quốc tế.

TẤN ĐẠT

--------------------------------------

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2021

Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) của đơn vị từ nay đến cuối năm 2021 là tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên, đội công tác xã hội tình nguyện, câu lạc bộ, mô hình về công tác phòng chống TNXH 7 cuộc (mỗi huyện/cuộc). Tổ chức 142 cuộc truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm, nạn mua bán người tại các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn; các điểm trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tuyên truyền đậm nét các hoạt động phòng, chống TNXH. Đặc biệt, sẵn sàng thực hiện công tác xác minh tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về, qua đó, kịp thời hỗ trợ khó khăn ban đầu, tiếp cận tư vấn hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, y tế, nhất là ổn định về cuộc sống, tránh mặc cảm, kỳ thị để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tăng cường khảo sát, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh TNXH, kiên quyết xử lý những cơ sở cố tình vi phạm, lợi dụng kinh doanh để hoạt động trá hình vào những tháng cuối năm, không để phát sinh điểm nóng về TNXH trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh một số mục chi không thực hiện được, chuyển sang in ấn tờ rơi, sửa chữa pa-nô, lắp đặt, cấp phát hỗ trợ xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH.

H.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.