30 năm Tiểu đoàn DK1 anh hùng

Thứ Sáu, 15/02/2019 | 15:21

Trước tình hình tranh chấp chủ quyền khu vực biển Đông diễn ra hết sức phức tạp, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 180/CT về việc xây dựng Cụm kinh tế - khoa học kỹ thuật - dịch vụ tại khu bãi đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, thường gọi nhà giàn DK1.

Bài 1: Đón tết giữa trùng khơi

Bài cuối: Thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi Tổ quốc

Nhà giàn DK 1/12 trên bãi ngầm Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa. 

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam vào sáng 7/1/2019. Ảnh: N.Q

Ngày 26/10/1988, Phó Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân trực tiếp giao cho Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam. Đồng chí xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng của cả nước, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được.

BẢO VỆ CHẶT CHẼ CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN

Trên hải trình đi thăm các nhà giàn dịp tết Kỷ Hợi 2019, Đại tá Lê Đình Việt, Phó trưởng đoàn công tác đã giới thiệu với phóng viên Báo Bạc Liêu về quá trình hình thành Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa Đông Nam đất nước, thường gọi DK1 (dầu khí 1). Trong bối cảnh khu vực quần đảo Trường Sa diễn ra hoạt động tranh chấp chủ quyền hết sức phức tạp, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 180/CT về việc xây dựng DK1, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế biển, kiến thiết đất nước, do đồng chí Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm Trưởng ban chỉ đạo. DK1 là vùng biển rộng trên 200.000km2, cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 470km, có 9 bãi ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất và Bãi Đinh.

Tháng 6/1989, các lực lượng của Bộ GT-VT, Tổng cục Dầu khí và Binh chủng Công binh đã vận chuyển thiết bị, lắp đặt hoàn chỉnh các nhà giàn DK1/1A, DK1/2 trên bãi ngầm Tư Chính, trên bãi ngầm Phúc Tần và DK1/3 trên bãi ngầm Ba Kè. Trong quá trình xây dựng các nhà giàn, các tàu HQ 713, HQ 723, HQ 727 của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 thuộc Quân chủng Hải quân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các lực lượng xây dựng công trình. Đồng thời Quân chủng Hải quân nhanh chóng thành lập khung đơn vị DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171. Ngay sau khi xây dựng xong 3 nhà giàn thì tổ chức đưa bộ đội ra tiếp nhận, chốt giữ, làm nhiệm vụ bảo vệ các nhà giàn, quan sát phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không, theo dõi, báo cáo tình hình thời tiết ở khu vực. Ngoài lực lượng chốt giữ tại chỗ trên các nhà giàn còn có các lực lượng tàu trực tại các bãi ngầm phối hợp sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu quản lý, bảo vệ chặt chẽ chủ quyền vùng biển khu vực DK1.

Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước đã huy động các nguồn vật lực, tài lực của các ngành kinh tế, khoa học của đất nước vào xây dựng các trạm trên các bãi ngầm DK1 và bãi cạn Cà Mau, từng bước tiến hành các hoạt động dịch vụ kinh tế, khoa học, nghiên cứu khí tượng thủy văn. Đi đôi với xây dựng, phát triển DK1 là sự tăng cường khả năng bảo vệ của bộ đội Hải quân trên khu vực này. Tại đây, ngoài lực lượng Hải quân, còn có cán bộ hàng hải, khí tượng thủy văn thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ kinh tế biển và nghiên cứu khoa học.

TRUYỀN THỐNG VẺ VANG ĐẦY TỰ HÀO

Tiến trình hình thành và phát triển DK1 có cả những "nốt lặng" mà chúng tôi cảm nhận được tại lễ tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển này.

Trước đây, những nhà giàn được thiết kế theo kiểu khung nhà liên kết với chân đế pông-tông bơm bê-tông đánh chìm, định vị bằng các cột bê-tông chôn sâu xuống thềm san hô. Do lần đầu tiên ta xây dựng nhà nổi trên bãi ngầm ở khu vực có điều kiện địa lý tự nhiên phức tạp, chưa có kinh nghiệm, nên ngay sau khi dựng lắp xong hệ thống cầu thang lên xuống nhà và các thiết bị nội thất thì bị sóng đánh hỏng. Những lúc gió cấp 6, cấp 7, nhà bị rung lắc mạnh. Và điều không may đã ập đến vào các năm 1990, 1998, 1999 và 2000, lần lượt nhà DK1/3 Phúc Tần, nhà DK1/6 Phúc Nguyên, nhà trạm Tư Chính B (DK1/5), và nhà trạm Ba Kè A bị đổ khiến 6 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 hy sinh.

Đêm 4 rạng sáng 5/12/1990, bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển và có 3 đồng chí mãi nằm dưới biển. Trước lúc hy sinh, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao gương người bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Vào thời khắc sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, đồng chí đã nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Để mỗi nhà giàn là thế đứng Việt Nam giữa ngàn khơi đất nước, 30 năm qua, có 10 liệt sĩ đã nằm lại biển Đông, trong đó có 7 liệt sĩ nhà giàn DK1. Người ra đi gần đây nhất (cách nay gần 5 năm) là đồng chí Dương Văn Bắc, công tác tại nhà giàn DK1/11 Tư Chính. Vợ đồng chí Bắc đã được Quân chủng Hải quân quan tâm tuyển vào làm công nhân viên quốc phòng Chi đội Kiểm ngư số 2 (đóng tại TP. Vũng Tàu).

Các chiến sĩ ngã xuống cho nhà giàn bất tử. Mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhánh san hô nằm tận biển sâu.

Trải qua gần 30 năm xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, những chiến công, thành tích xuất sắc của Tiểu đoàn DK1 theo năm tháng đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: Đoàn kết hiệp đồng/ Khắc phục khó khăn/ Kiên trì cảnh giác/ Giữ vững chủ quyền.

Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, cho biết: “Truyền thống đó là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn, là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ chốt giữ, bảo vệ nhà giàn hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống của đơn vị”.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.