Phóng sự - Ký sự

Tình người qua cơn sóng dữ

Thứ Sáu, 08/07/2016 | 16:28

Người ta thường nói, nghề biển là nghề nghiệt ngã. Biển cho cơm áo, nhưng biển cũng gieo cho ngư dân bao nỗi kinh hoàng. Vậy mà ngư dân Bạc Liêu vẫn bám lấy biển bằng nghị lực phi thường. Chính cái duyên nợ gắn với tình người cao hơn sóng biển trùng khơi đã giúp họ vượt qua tất cả.  

72 giờ vật lộn với sóng…
Để thực hiện được phóng sự này, chúng tôi phải rất nhiều lần đi tìm anh Phan Thanh Nam (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Bởi anh là người quá đặc biệt trong một hoàn cảnh… đặc biệt. 42 tuổi đời, 25 năm đi biển, anh có 2 lần được người khác cứu mạng. Anh Nam còn nhớ như in cái cảnh chìm tàu BL1047 TS cách đây chưa lâu do anh làm chủ, đồng thời cũng là thuyền trưởng. Một buổi chiều trên vùng biển Tây Nam, tàu đang thả lưới thì giông tố nổi lên, biển dậy sóng đã ập đến nuốt chửng con tàu 75CV của anh. Quá bất ngờ, 10 thành viên trên tàu chỉ biết gửi gắm mạng sống mong manh vào những miếng xốp trôi dạt bồng bềnh trên biển. Trong thời khắc sinh tử đó nhưng anh vẫn cố bè lấy mọi người và động viên nhau.
Người thuyền trưởng nhớ lại: “3 ngày đêm chống chọi với đói khát, sóng gió, tay chân rã rời, nhưng 10 người vẫn cố bám lấy miếng xốp bởi chỉ cần lơi tay là sẽ chết”. Và anh bồi hồi nhớ lại: “Trong cơn hoạn nạn ấy, có quá nhiều người giúp đỡ anh bằng cả tấm lòng. Đáng nhớ nhất là tàu của anh Tô Hoàng Lam, quê tỉnh Bến Tre”. Dù chưa hề quen biết, nhưng anh Lam vẫn quyết tâm tìm đến tọa độ tàu chìm khi nhận được tin báo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu. Cuối ngày thứ 3, đói và lạnh khiến mọi người càng kiệt sức thì cũng là lúc tàu cá anh Tô Hoàng Lam xuất hiện. Khi ấy, bạn tàu của anh Nam đã “hao hụt” hết 2 người. “Được đưa lên khỏi nước, tôi ngất xỉu một lúc rồi mới tỉnh dậy, sau đó không thể tự ngồi và đi đứng được”, anh Nam chia sẻ. Rồi mọi người trên chiếc tàu cá Bến Tre chăm sóc anh em bị nạn như chính người thân trong gia đình mình. Anh được mọi người báo lại, nơi anh vừa được cứu vớt đã sát vùng biển Malaysia, không còn tàu cá Việt Nam lui tới. Khoảng 12 giờ đêm đó, 8 thành viên tàu BL1047 TS tiếp tục được săn sóc y tế cẩn thận trên con tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III. Tàu cứu nạn vừa tới cửa biển Năm Căn đã có đông nghẹt người chờ đón, rồi được cơ quan chức năng tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu săn sóc sức khỏe, được lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền.
Chẳng bao lâu sau, tàu cá thứ 2 cũng do thuyền trưởng Phan Thanh Nam điều khiển đang đánh bắt cá ở vùng biển Gành Hào (huyện Đông Hải) thì bị hỏng máy trôi dạt tự do nhiều giờ. Và một lần nữa, anh được Bộ đội Biên phòng Bạc Liêu cứu giúp trong sự cảm động.    

Tàu cá ông Hồ Ngọc Thuận (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) ra khơi đánh bắt xa bờ. 
Ảnh: T.Đ

Tình người cao hơn sóng biển
Tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.300 tàu cá và hơn 7.000 người lao động trên những con tàu. Theo Sở NN&PTNT, số tàu cá và số người lao động trên biển chẳng những không giảm mà còn tăng dần những năm gần đây. Điều đó cho thấy, ngư dân Bạc Liêu không bao giờ lùi bước trước những trở ngại, họ luôn đến với biển bằng nghị lực và sức mạnh diệu kỳ.  
Gia đình của ông Bảy Hòa (thị trấn Gành Hào) đã 3 đời làm nghề đánh bắt xa bờ. Nói chuyện tình người trên biển, ông liền bảo: “Cách đây mấy ngày, tôi vừa lai dắt một tàu cá của ngư dân bị hỏng máy đã nhiều ngày trôi dạt trên biển mặc dù ghe cào của tôi đang trong thời gian đậu nghỉ”. Nhắc lại quãng đời mấy chục năm đi biển, ông Hòa không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần giúp đỡ người khác những lúc sa cơ, hoạn nạn. Có người thì bị hỏng máy, người bị chìm tàu, bệnh tật… 
Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Phan Thanh Bình, chủ chiếc ghe lưới đánh bắt xa bờ ở phường Nhà Mát là từng chở hơn 10 người bị chìm tàu từ “Nhà tình nghĩa” (vùng biển Tây Nam) về tới cửa biển Nhà Mát gần 280 cây số. Khi đó, ông phải tiêu tốn khoảng 400 lít dầu nhưng không đòi hỏi người ta phải trả sở phí. Bởi lẽ ông Bình suy nghĩ, người ta đã gặp nạn rồi mà mình lấy tiền họ nữa khiến họ càng khó khăn thêm. Thậm chí “thức ăn ít ỏi còn lại trên tàu mình còn ưu tiên cho người ta, vì họ đã bị nạn còn đói hơn mình”, ông Bình nói. Ông còn kể, cách nhau vài chục, thậm chí cả trăm cây số trên biển, nếu tàu nào có gặp khó khăn về nhiên liệu, thuốc men hay cơm gạo… hễ gọi bộ đàm một tiếng là được tàu khác giúp ngay trong khả năng hiện có của họ. 
Là người thường xuyên đánh bắt ở vùng biển xa, ông Hồ Ngọc Thuận ở phường Nhà Mát, đúc kết: “Không có dân nào mà sống nghĩa tình bằng dân đi biển. Dù cho tàu cá của họ quê tận miền Bắc, miền Trung hay ở ĐBSCL, nhưng khi ra biển là đến với nhau như anh em ruột thịt trong nhà". 
Những ngư dân yêu biển Bạc Liêu đều khẳng định rằng, khi “đụng chuyện”, người làm nghề biển không ai bỏ ai cả. Chỉ khi không biết và không thấy, người ta mới không giúp nhau. Trung tá Ngô Văn Lai, Trạm phó Trạm kiểm soát Biên phòng Gành Hào nhìn nhận, ở cửa biển Gành Hào này, tình yêu thương đó của những người đi biển chưa bao giờ thay đổi. 
Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, trong quá khứ và hiện tại, tình người đi biển còn cao hơn sóng biển trùng khơi. Tất cả ngư dân đều xem chiếc tàu là nhà, biển là quê hương, mọi người trên biển đoàn kết, yêu thương nhau như thể anh em ruột thịt, không tính toán được bằng tiền. Với kinh nghiệm có được từ nghề đi biển, đôi khi thông tin về thời tiết xấu hoặc mưa giông, bão tố trên biển chưa phát được đến ngư dân thì họ đã tự thông báo với nhau chủ động trú tránh một cách an toàn.  
Điều đó cho thấy, tình đoàn kết, yêu thương nhau như “lá lành đùm lá rách” của ngư dân Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung đã trở thành truyền thống cao đẹp. Tình đoàn kết đó như những cột mốc vững chãi, một biểu tượng mạnh mẽ, hiên ngang trước biển khơi mà không có hiện tượng thiên nhiên hay kẻ thù nào có thể đánh đổ được.    
Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.