Xử lý một số hành vi vi phạm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19

Thứ Tư, 03/03/2021 | 15:58

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và đời sống của các tầng lớp nhân dân. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Nhân dân trong phòng chống dịch thì vẫn còn một số người có hành vi vi phạm pháp luật và theo quy định thì những hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

TRỐN TRÁNH CÁCH LY Y TẾ

Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng; đồng thời, bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Về xử lý hình sự, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 được thông báo cách ly mà  trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Đeo khẩu trang trong phòng họp nhằm phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: T.L

TUNG TIN GIẢ VỀ DỊCH BỆNH COVID-19

Theo Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân là một trong số các hành vi bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài việc phạt tiền, người có hành vi vi phạm bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật.  Ngoài ra, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 (mức phạt tù tối đa đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm).

KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG NƠI CÔNG CỘNG 

Theo Nghị định 117, hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng.

CƠ SỞ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG TRONG THỜI GIAN YÊU CẦU TẠM ĐÓNG CỬA

Theo khoản 3, Điều 12 của Nghị định 117, cơ sở kinh doanh không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự.

KHÁNH NGÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.