Tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân

Thứ Tư, 18/10/2017 | 16:34

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm, bởi thông qua hòa giải, quyền tự định đoạt của đương sự được đề cao, rút ngắn quá trình tố tụng, giảm thiểu chi phí tố tụng, đồng thời còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trong việc củng cố tình tương thân tương ái, giữ gìn khối đoàn kết cộng đồng. Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.

Hội nghị triển khai Bộ luật Dân sự. Ảnh: Trần Sơn

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì hòa giải vừa là một trong những nguyên tắc cơ bản vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Với ý nghĩa, tầm quan trọng như thế, ngày 3/10/2017, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND, với mục tiêu là: Số lượng vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được hòa giải thành so với số vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được.

Tòa án có trách nhiệm tổ chức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; thẩm phán phải giải thích, phố biển đầy đủ, khách quan các quy định của pháp luật liên quan đên việc giải quyêt vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành; trình tự, thủ tục hòa giải phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nghiêm cấm việc lợi dụng hòa giải để tiêu cực, trục lợi trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các đương sự; không được lừa dối, cưỡng ép, đe dọa, dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của họ; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Khi thực hiện hòa giải vụ việc dân sự, thẩm phán phải giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, hòa giải không thành (án phi, các chi phí tố tụng khác, chi phí thi hành án) để đương sự nhận thức được tính hợp pháp trong từng yêu cầu của họ, biết những lợi ích của hòa giải thành mà không phân tích tính đúng, sai của đương sự, không tiết lộ đường lối xét xử vụ án…

Hòa giải thành vụ án dân sự giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án. Kết quả hòa giải còn có ý nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên tòa xét xử; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án. Đồng thời, hòa giải góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

HỒNG QUANG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.