Quy định về lấy phiếu tín nhiệm đại biểu HĐND

Thứ Tư, 31/10/2018 | 15:26

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Hội đồng nhân dân (HĐND) thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Quang cảnh một kỳ họp HĐND cấp huyện. Ảnh: K.K

Theo Điều 84, Điều 88 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Điều 63 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chánh Văn phòng HĐND (đối với HĐND cấp tỉnh); Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND.

Để thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, ngày 2/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành  Hướng dẫn số 02/HD-UBTVQH14 hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ nêu trên thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với chức vụ cao nhất. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định trên có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND.

Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, theo Điều 7 Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ”. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2018.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Điều 9 của Nghị quyết số 85/2014/QH13. Riêng đối với HĐND cấp xã do không thành lập tổ đại biểu HĐND thì trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND cấp xã quyết định việc phân chia thành các tổ để các đại biểu HĐND trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Điều 10 Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, cụ thể người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Để làm tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm, việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tổ chức chặt chẽ, theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục; bảo đảm để đại biểu HĐND có đủ thời gian cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trước khi ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; kiểm soát tốt tình hình tiếp nhận thông tin, không sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng.

KHÁNH NGỌC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.