Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi): Nâng cao đời sống người có công với cách mạng

Thứ Hai, 04/05/2020 | 17:33

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, phải triển khai đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người có công, trong đó đặc biệt là việc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Cử tri kiến nghị xung quanh các vấn đề liên quan đến gia đình chính sách. Ảnh: K.P

Pháp lệnh đầu tiên được thông qua năm 1994, đến nay đã qua 6 lần sửa đổi. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là văn bản quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng. Dự thảo Pháp lệnh hiện gồm có 6 chương và 57 điều, so với Pháp lệnh hiện hành tăng 9 điều, bổ sung 2 chương và bỏ 1 chương.

Việc sửa đổi Pháp lệnh người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này theo hướng phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với Nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cũng đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Nhiều vấn đề đã được đóng góp, trong đó thu hút sự quan tâm nhất tập trung ở 4 vấn đề liên quan đến việc đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá. Pháp lệnh hiện hành quy định thân nhân của liệt sĩ là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác thì không phải là thân nhân liệt sĩ và không được hưởng các chế độ ưu đãi như thân nhân liệt sĩ. Về công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình). Và việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Liên quan đến các vấn đề này, ở rất nhiều đợt tiếp xúc cử tri tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bạc Liêu, các cử tri đã liên tục đưa ra ý kiến, đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét lại, nhất là đối với chế độ cho vợ (hoặc chồng) liệt sĩ tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ nên người; liên quan đến mức trợ cấp ưu đãi cho các đối tượng người có công vẫn còn thấp, thậm chí là thua việc hỗ trợ cho hộ nghèo (bất cập).

Một thông tin khá phấn khởi là, ở kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đồng tình và cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, việc quy định bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách có công với cách mạng là cần thiết, nhằm đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng. Đồng thời cũng thống nhất cao việc phải có chế độ ưu đãi dành cho vợ (hoặc chồng) liệt sĩ tái giá như những phản ánh thực tế từ địa phương.

Chính sách ưu đãi người có công là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, những chính sách này đã và đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ Nhân dân, thể hiện tinh thần tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát của các gia đình có công với cách mạng. Bởi nếu không có những hy sinh đó, thì cũng không có được hòa bình, độc lập của ngày hôm nay. Những thay đổi từ chính sách để giúp đời sống của gia đình có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân thiết nghĩ là việc làm cần thiết và hết sức công bằng.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.