Những quy định pháp luật đối với hành vi cho vay nặng lãi

Thứ Tư, 05/09/2018 | 16:48

Theo quy định pháp luật, tổ chức tín dụng phải được thành lập, đăng ký hoạt động hợp pháp và để thực hiện cho vay thì cần phải tiến hành theo trình tự, thủ tục được quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp… Đây là những quy định bắt buộc nhằm bảo vệ tổ chức tín dụng và cả tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đi vay. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều tổ chức cho vay bên ngoài hoạt động không có đăng ký theo quy định, cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Quảng cáo cho vay dán trên các cột điện. Ảnh: K.N

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”. Đây là quy định mới nhất về lãi suất thỏa thuận trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vừa thể hiện tính linh hoạt theo cơ chế lãi suất thị trường, vừa khẳng định rõ được vai trò quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đa phần bên cho vay và bên vay theo hình thức bên ngoài đều thỏa thuận miệng với nhau hoặc có giấy tờ nhưng không đúng quy định và lãi suất hai bên thương lượng thường rất cao, vượt so với quy định lãi suất của ngân hàng, cho nên nhiều trường hợp rơi vào cho vay nặng lãi, gây hậu quả khôn lường cho người đi vay.

Đối với hành vi cho vay lãi nặng, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay lãi nặng mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” sẽ bị phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng.

BLHS cũng có quy định xử lý hình sự hành vi cho vay lãi nặng nhưng quy định còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn nên rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị xử lý hình sự. Cụ thể Điều 163 quy định “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Nếu có thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Theo quy định trên, pháp luật hình sự chỉ chế tài những trường hợp cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên (5 lần x 20%), khi đó mới bị liệt vào dạng “cho vay nặng lãi”. Điều này vẫn chưa phù hợp với thực tiễn, thiết nghĩ cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn.

Vì vậy, các cơ quan pháp luật cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này.

KHÁNH NGỌC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.