Những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018

Thứ Tư, 15/08/2018 | 16:34

Luật Tố cáo năm 2018 được thông qua ngày 12/6/2018 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Luật này gồm có 9 chương và 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Minh họa: T.L

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định về giải quyết tố cáo nặc danh khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận xử lý theo thẩm quyền.

Luật Tố cáo năm 2018 cũng rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo (Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn này là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo). Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của luật này. Khi đã rút tố cáo, người tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Bổ sung tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo trước đây Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này. Luật mới cho phép người tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan, hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Luật Tố cáo năm 2018 bổ sung quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp. Đồng thời, quy định chi tiết hơn thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung đối tượng bị tố cáo là người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng không còn được giao thực hiện công vụ nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian được giao thực hiện công vụ.

XUÂN KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.