Luật Thư viện và văn hóa đọc Việt Nam

Thứ Tư, 24/06/2020 | 17:31

Luật Thư viện quy định ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Luật quy định phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước. Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông. Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện. Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác, truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số, sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

Thư viện tỉnh phục vụ lưu động cho bệnh nhi. Ảnh: K.K

Đối với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện, theo quy định tại Điều 42 Luật Thư viện, quyền của người sử dụng thư viện gồm 7 nhóm quyền. Đó là: Được sử dụng thư viện, tiếp cận, sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện phù hợp với nội quy thư viện, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bí mật nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; Được miễn phí tại thư viện công lập. Được sử dụng dịch vụ thư viện theo danh mục dịch vụ do thư viện cung cấp; Được hướng dẫn sử dụng thư viện, hỗ trợ, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; Được tham gia các hoạt động dành cho người sử dụng thư viện do thư viện tổ chức; Được lựa chọn thư viện phù hợp với nhu cầu và quy chế, nội quy thư viện; Được khiếu nại, tố cáo về hành vi hạn chế quyền sử dụng thư viện. Nghĩa vụ của người sử dụng thư viện được quy định tại Điều 43 của Luật Thư viện gồm 4 nhóm quyền như sau: Chấp hành quy định của pháp luật và nội quy thư viện; Thanh toán đầy đủ chi phí làm thẻ và sử dụng dịch vụ thư viện theo quy định; Bảo quản tài nguyên thông tin và tài sản khác của thư viện; Bồi thường thiệt hại theo quy định.

Bên cạnh đó, Luật Thư viện cũng quy định quyền của người sử dụng thư viện đặc thù, là người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện. Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện. Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác. Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện cơ sở giáo dục và thư viện công cộng. Trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện. Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, học tập và chữa bệnh.

NGỌC NHI (Sở Tư pháp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.