Luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo: Những vấn đề cần biết

Thứ Sáu, 31/05/2019 | 16:12

Luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo (TN-MTB&HĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, gồm 10 chương, 81 điều.

Nội dung luật quán triệt và thể chế hóa chính sách, tư tưởng chỉ đạo của Đảng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả để quản lý tổng hợp TN-MTB&HĐ.

Băng-rôn tuyên truyền về bảo vệ biển, đảo tại trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: K.P

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp TN-MTB&HĐ. Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua Luật Biển Việt Nam, trong đó tại chương Phát triển kinh tế biển quy định một số công cụ để quản lý tổng hợp TN-MTB&HĐ như quy hoạch sử dụng biển; giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên…

Những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển, từ đó làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.

Luật TN-MTB&HĐ quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả; duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Luật TN-MTB&HĐ cũng chỉ rõ việc thực hiện, triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đó là tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các nội dung cơ bản của luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Giới thiệu, phổ biến luật bằng các hình thức phù hợp như biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu luật. Phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến nội dung của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, tuyên truyền về Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam cho người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện các hoạt động liên quan tới tài nguyên biển và hải đảo; sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhất là tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động trên biển, hải đảo; nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời tuyên truyền các quy định liên quan tới quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đối với cán bộ, công chức cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường...

Kim Phượng (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.