Luật cho phép chống trả thế nào khi cướp vào nhà?

Thứ Sáu, 20/03/2020 | 16:00

Hiện nay, đối tượng cướp, cướp giật rất manh động, công khai hành sự giữa ban ngày ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, khiến người dân rất lo lắng. Không ít trường hợp, đối tượng xông vô nhà để cướp giật, khi người dân chống trả lại dính líu đến pháp luật. Những vấn đề này hiện vẫn gây nhiều tranh cãi, phân tích từ góc độ pháp lý, từ thực tiễn.

Một phiên tòa xét xử tội cướp giật tại Bạc Liêu. Ảnh: K.K

Thời gian qua, lực lượng công an đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm, liên tục triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại sở hữu nói riêng. Theo đó, năm 2019, phạm pháp hình sự cả nước giảm 7,39% số vụ, cướp tài sản giảm 4,6% số vụ, 5,3% số đối tượng, cướp giật giảm 10,3%. Tuy nhiên, tình trạng cướp, cướp giật tài sản còn xảy ra nhiều tại một số địa phương phía Nam.

Tại Bạc Liêu cũng đã có nhiều vụ án cướp, cướp giật xảy ra, thậm chí một số đối tượng rất manh động và liều lĩnh khi xông vào nhà dân để cướp giật. Điển hình như vụ Huỳnh Thanh Bình (sinh năm 1993, ngụ khóm 2, phường 5, TP. Bạc Liêu) đã thực hiện nhiều vụ vào nhà người dân cướp giật tài sản. Đối tượng này thường điều khiển xe mô tô, chạy dọc theo các khu dân cư. Phát hiện nhà nào sơ hở thì sẽ xông vào thực hiện hành vi cướp giật. Nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em. Như trường hợp của chị T.M (khóm 4, phường 2, TP. Bạc Liêu) đang nằm võng thì bất ngờ bị Bình xông vào giật lấy ví da để cạnh bên rồi tẩu thoát. Hay như trường hợp bị cướp giật tài sản xảy ra tại nhà của ông P.V.Đ (khóm 7, phường 1, TP. Bạc Liêu). Thấy cửa nhà và cửa cổng đang mở, có cháu P.T.Đ (sinh năm 2007) và P.Đ.H (sinh năm 2013 - con của ông Đ.) đang sử dụng điện thoại di động Samsung Galaxy A7 và Samsung Galaxy J7 Pro để xem video, tên Bình dựng xe trước cổng, đi vào nhà chụp lấy hai cái điện thoại di động trên bỏ vào túi quần rồi nhanh chóng ra xe tẩu thoát, khiến hai em nhỏ vô cùng hoảng sợ.

Nhiều người dân không chỉ lo sợ các đối tượng cướp, cướp giật ngày càng trở nên manh động, mà còn vô cùng băn khoăn trong trường hợp chống trả với đối tượng. Khi nào thì được xem là phòng vệ chính đáng, khi nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chẳng hạn như đánh gây thương tích nặng cho kẻ cướp, gây chết người…? Ông H.N.N (phường 1, TP. Bạc Liêu) bày tỏ quan điểm: “Trộm cướp vào nhà, nếu mình phát hiện thì phải khống chế nó. Mà lúc đó thường là bất ngờ, quơ gì được thì đối phó với nó cái đó. Thời gian đâu mà suy nghĩ, rồi lựa chọn phải làm sao cho đúng, cho tương xứng với hành vi của nó. Có đối tượng đơn giản nhưng cũng có đối tượng hung hăng”.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho rằng, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ khí cần thiết thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường hợp cướp vào nhà mà người dân phòng vệ, chống trả lại đối tượng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi nào vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hoặc gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng là vượt quá mức cần thiết thì mới phải xét đến trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy từng vụ việc cụ thể, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân đánh giá chính xác, bảo đảm không để oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.