Luật An ninh mạng: Hành lang pháp lý an toàn cho thời công nghệ số 4.0

Thứ Hai, 18/06/2018 | 16:46

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

BẢO VỆ NGƯỜI SỬ DỤNG TỐT HƠN

Như chúng ta biết, trong thời đại công nghệ số 4.0, Internet và mạng xã hội là những món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Và trong cái gọi là “mạng xã hội” đó, cũng muôn hình vạn trạng, và tính hai mặt, hay như nhiều người vẫn thường nói, mạng xã hội như con dao hai lưỡi là không ngoa chút nào.

Nếu không như vậy, vì sao chúng ta vẫn phải cố gắng kiểm duyệt con cái khi chúng mải mê lướt web, tham gia vào các trang mạng xã hội. Điều chúng ta băn khoăn là gì? Đó chính là e sợ khi con cái sa chân vào những trang web đen, không có tính giáo dục mà khuyến khích bạo lực, đồi trụy. Đó là khi mạng xã hội trở thành người bạn xấu của con trẻ, là tấm gương làm vẩn đục tư tưởng, quan niệm sống, nhân cách…

Không chỉ nước ta mà hầu hết các nước trên thế giới, việc quản lý mạng là một vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu. Bất cứ nhà nước nào cũng phải quan tâm đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của đất nước. Kế đến là bảo vệ công dân của đất nước mình một cách tốt nhất. Có lẽ trong chúng ta, không ai lại ủng hộ cho việc tội phạm triệt để lợi dụng tiện ích của Internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Vấn đề là việc quản lý mạng sẽ như thế nào, như lời của PGS - TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM, làm sao để phát triển công nghệ thông tin, phát triển nền kinh tế số trong thời đại 4.0 và giữ được an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng Việt Nam. Ảnh: Internet

Hiện có nhiều người dùng mạng xã hội lo ngại, một số trang mạng như Google hay Facebook sẽ không còn cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam nên quay ra phản đối Luật An ninh mạng. Trong khi lại cố tình không hiểu rõ, quy định thực chất của Luật An ninh mạng đối với vấn đề này như thế nào.

Tại khoản 3, Điều 26 về Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng quy định: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

Nhiều người phản đối cái quy định việc phải có máy chủ đặt tại nước ta. Vậy trong chúng ta đã có ai từng hỏi, các trang đó muốn hoạt động thì máy chủ của chúng đặt ở các quốc gia nào? Ngay cả Mỹ, nếu không đặt máy chủ tại đất nước của họ, liệu các trang mạng có được tự do hoạt động hay không? Nhà nước quản lý và lưu trữ các dữ liệu, ngoài vấn đề an ninh quốc gia thì còn là để bảo vệ cho công dân của nước mình.

Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục ngàn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta. Đó là chưa kể mạng Internet bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin gây thiệt hại về kinh tế, tài chính, gây hoang mang xã hội.

KHÔNG CẤM FACEBOOK, GOOLE HOẠT ĐỘNG

Chúng ta lo lắng các “ông lớn” trên mạng xã hội như Facebook, Google sẽ không thèm để ý đến thị trường Việt Nam, và chúng ta không thể dùng được các trang mạng này. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh hơn để thấy rằng, theo số liệu tính đến hết năm 2015 cho thấy, tại Việt Nam, Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD), Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), thì chúng ta sẽ hiểu, với những nhà tư bản mà lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu, với thị trường như thế, liệu họ có bỏ qua?

Bên cạnh đó, nhiều người dùng mạng xã hội còn cho rằng, Luật An ninh mạng xâm phạm đến sự riêng tư của họ khi bắt buộc phải cung cấp các thông tin về tài khoản của họ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Họ cho rằng luật đã xâm phạm quá nhiều về đời tư của họ, các thông tin cá nhân. Thế nhưng hàng ngày, thậm chí là hàng giờ, hàng phút, có hàng trăm ngàn người dùng các trang mạng xã hội bắt nguồn từ các tổ chức nước ngoài, các trang mạng xã hội không rõ tốt hay xấu, bằng nhiều cách khác nhau qua các thiết bị, công nghệ số hiện đại đã lấy cắp thông tin cá nhân của họ mà họ không hề hay biết. Những thông tin cá nhân kiểu này sau đó được bán, sử dụng vào những mục đích gì, chúng ta làm sao kiểm soát được, khi các trang mạng đều ở nước ngoài?

Luật An ninh mạng là khung, không ít điều luật như khoản 3 Điều 26 và nhiều điều khác, vẫn phải chờ Chính phủ quy định chi tiết bằng nghị định hướng dẫn thi hành. Và chúng ta, với trách nhiệm công dân của mình, nên chăng là có những đóng góp mang tính xây dựng, để luật thêm hoàn chỉnh, để nghị định hướng dẫn của Chính phủ được cụ thể, rõ ràng, không chỉ bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia, mà còn là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, đảm bảo xây dựng một môi trường không gian mạng lành mạnh cho chính chúng ta.

KIM PHƯỢNG

 

Một số hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An ninh mạng

Điều 8 của Luật An ninh mạng "nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc".

Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng. Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép. Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.

Điều 8 cũng nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

K.K (tổng hợp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.