Khi luật hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống

Thứ Tư, 31/07/2019 | 16:17

Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở (HGOCS) được thông qua, hoạt động HGOCS có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để công tác HGOCS thật sự phát huy, rất cần sự quan tâm hơn nữa cùng những giải pháp đồng bộ…

Đoàn kiểm tra Bộ Tư pháp làm việc với tỉnh Bạc Liêu về tình hình phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Ảnh: M.Đ

Thực trạng hoạt động của các tổ HGOCS

Phải nhìn nhận một thực tế, những năm gần đây, hoạt động hòa giải từng bước nâng cao về chất lượng, tổ chức và ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Qua 5 năm triển khai Luật HGOCS, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn đã tiếp nhận 9.222 vụ việc, hòa giải thành 7.469 vụ việc (đạt 81%). Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư. Làm tốt công tác hòa giải còn góp phần hạn chế khiếu nại, đơn thư lên cơ quan cấp trên và tòa án, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và người dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 149 công chức được giao nhiệm vụ quản lý về công tác hòa giải ở địa phương và có 3.248 hòa giải viên ở cơ sở. Hàng năm, đội ngũ này đều được tham gia các lớp triển khai luật và bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về công tác hòa giải; được trang bị tài liệu để nghiên cứu trong quá trình thực hiện công tác hòa giải. Bên cạnh đó, từng công chức, hòa giải viên tự học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu văn bản pháp luật để không ngừng nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu được giao. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong hơn 3.000 hòa giải viên ở cơ sở thì số người có trình độ, nắm vững kiến thức chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến hoạt động này, nhất là ở khóm - ấp, khu dân cư, việc bầu chọn các hòa giải viên chỉ mang tính hình thức. Số hòa giải viên thật sự năng động, phát huy được khả năng trong hòa giải không cao. Đó là còn chưa nói sự thay đổi thường xuyên của đội ngũ này, bởi yêu cầu công tác ở cơ sở. Sự hạn chế về năng lực, nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật, tâm lý ngại va chạm, thiếu nhiệt tình trong hòa giải cũng tác động không nhỏ đến chất lượng các tổ hòa giải và hòa giải viên. Chính những điều này đã khiến công tác HGOCS của một số địa phương chưa phát huy được tác dụng tích cực, chưa làm cho người dân thấy được hiệu quả thật sự.

Tập huấn kiến thức pháp luật cho hòa giải viên cơ sở năm 2018. Ảnh: T.Sơn

…Và những vướng mắc khi thực hiện Luật HGOCS

Có thể nói hơn lúc nào hết, đây là thời điểm thuận lợi nhất để phát triển và khuyến khích hoạt động HGOCS. Bên cạnh việc luật hóa bằng Luật HGOCS, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng “chắp cánh” cho công tác này khi quy định, kết quả hòa giải thành ở cơ sở sẽ được tòa án công nhận và có hiệu lực pháp luật. Đây thật sự là một bước tiến nhảy vọt trong công tác HGOCS.

Hiệu quả từ công tác HGOCS mang lại rõ nhất là người dân giảm thiểu được rất nhiều thủ tục, chi phí, thời gian… nếu phải đưa nhau ra tòa. Tuy nhiên trên thực tế, đây là quy định ít được áp dụng nhất trong hiện tại. Theo số liệu mà chúng tôi nắm được ở 7 tòa án cấp huyện, con số được tòa công nhận kết quả hòa giải thành chỉ chiếm 1/5 vụ tòa thụ lý. Trong khi tỷ lệ hòa giải thành theo thống kê của tỉnh đến hơn 80%. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đương sự không mặn mà với việc yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, trong khi đây là một quy định hết sức có lợi cho đương sự? Thiết nghĩ đây là vấn đề cần được làm rõ để có kiến nghị đến cơ quan trung ương về thực tiễn áp dụng pháp luật.

Một vướng mắc nữa là phạm vi hòa giải. Tại Điều 3 của luật và Điều 5 của Nghị định số 15 quy định những vụ việc thuộc phạm vi hòa giải là “Vi phạm pháp luật mà theo quy định những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính”. Quy định này gây khó cho các hòa giải viên ở cơ sở, bởi phần đông trong số họ không được đào tạo luật bài bản nên không thể xác định vụ việc nào chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Rồi việc lập biên bản hòa giải cũng khó, không ít biên bản chưa đúng thể thức, chưa đầy đủ nội dung theo quy định. Vấn đề này đã được tỉnh triển khai mẫu biên bản hòa giải thành do Bộ Tư pháp ban hành đến các tổ HGOCS. Hiện tỉnh tiếp tục biên soạn mẫu biên bản hòa giải không thành để tiếp tục cung cấp cho các tổ hòa giải nghiên cứu, áp dụng…

Đội ngũ hòa giải viên là nhân tố quyết định hiệu quả của công tác hòa giải nên nơi nào có sự quan tâm củng cố, kiện toàn và có biện pháp nâng cao nghiệp vụ, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật thì chất lượng hòa giải thành mới đạt cao. Bên cạnh đó, phải có lòng nhiệt huyết, đam mê với hoạt động hòa giải, cộng với kinh nghiệm, kiến thức pháp luật; do đó, yếu tố quản lý nhà nước và phổ biến giáo dục pháp luật về HGOCS cũng cần được chú trọng, nâng cao, nhất là trong các khóa tập huấn, bồi dưỡng, các tài liệu cung cấp cho hòa giải viên. Có như vậy mới có thể góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HGOCS và công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

………………..........................................................................................................................................................................................................

Luật Hòa giải ở cơ sở có quy định chính sách, chế độ đối với hòa giải viên, tổ hòa giải, tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn nên nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ, từ đó chưa khuyến khích, động viên kịp thời với hoạt động hòa giải. Đặc biệt đối với quy định của luật về việc ngân sách của Trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải, đến nay mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ vẫn chưa được giải quyết. Tuy vậy, tỉnh đã cố gắng chi thù lao cho hòa giải thành 200.000/vụ/tổ hòa giải, không thành 150.000/vụ/tổ hòa giải và một số hỗ trợ khác về quyền lợi cho các hòa giải viên cũng như tổ hòa giải. Đây được xem là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của tỉnh, xem trọng công tác hòa giải, với tinh thần cầu thị, mong muốn thúc đẩy hiệu quả của hòa giải ở cơ sở trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn.

……………………………........................................................................................................................................................................................

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.