Đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thứ Sáu, 12/10/2018 | 16:51

LTS: Một trong những vấn đề chiếm nhiều thời gian giải quyết của các cấp ủy, chính quyền từ Trung trương đến cơ sở là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC). Có rất nhiều giải pháp cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã được thực hiện nhằm giải quyết thỏa đáng những vụ việc khiếu kiện. Trong đó không thể không kể đến hiệu quả từ hoạt động đối thoại của người đứng đầu với người dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả này, qua đó làm giảm độ nóng của KN-TC, nhất là ở những vụ việc bức xúc, kéo dài thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

>> Bài 1: Từ một chủ trương đúng đắn

Bài 2: Sự vận dụng khéo léo của chính quyền cơ sở

Để chuẩn bị cho sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giải quyết yêu cầu, KN-TC của công dân, Bạc Liêu đã tổ chức một hội nghị chuyên đề đặc biệt về công tác giải quyết KN-TC. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra những hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết yêu cầu KN-TC của các đơn vị, địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần tập trung tìm nguyên nhân để có hướng giải quyết cho phù hợp, xử lý nghiêm các cán bộ có sai phạm dẫn đến KN-TC của người dân. Đối với các vụ KN-TC phức tạp kéo dài, chỉ đạo thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch giải quyết từng vụ, giao thời gian kết thúc rõ ràng với vai trò, trách nhiệm của từng ngành.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương phát biểu chỉ đạo trong một buổi họp Ban chỉ đạo giải quyết yêu cầu khiếu nại - tố cáo.

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Một trong những địa phương được đánh giá là giải quyết khá tốt các KN-TC của công dân trong thời gian gần đây là TX. Giá Rai. Thực hiện tinh thần Công văn 490 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Thị ủy Giá Rai đã chỉ đạo và quán triệt đến tận cơ sở việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên tiến hành tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân. Trong 3 tháng (tháng 7, 8, 9/2018), BTV Thị ủy Giá Rai đã có 3 buổi đối thoại với công dân tại cơ sở, mà Bí thư, Phó Bí thư Thị ủy là người trực tiếp đối thoại với công dân. Sau các buổi đối thoại, những vấn đề bức xúc của công dân được BTV Thị ủy kết luận và ban hành các thông báo, chỉ đạo cụ thể các ngành, địa phương có liên quan giải quyết từng vấn đề, có thời gian để báo cáo cho BTV Thị ủy.

Ở cấp chính quyền, UBND TX. Giá Rai thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các yêu cầu, KN-TC của công dân do Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban chỉ đạo, thành lập Ban hòa giải các tranh chấp, khiếu kiện cũng do lãnh đạo UBND thị xã làm trưởng ban. Các bộ phận cấp dưới cũng thành lập các tổ công tác để giải quyết các yêu cầu, KN-TC của công dân.

Theo ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai: “Muốn giải quyết tốt các yêu cầu, KN-TC của công dân, người lãnh đạo chính quyền phải sâu sát. Sự việc xảy ra tại ấp, thì phải tháo gỡ từ ấp. Do đó, quan điểm của thị xã là phải hòa giải ngay tại ấp, hòa giải trong dân. Nếu ấp chưa thành, bước thứ hai, lãnh đạo xã sẽ xuống ấp để hòa giải, đối thoại với dân. Nếu vẫn không thành, thì xã phải làm báo cáo cụ thể, kèm với kiến nghị gửi Ban chỉ đạo thị xã. Đến đây thì thị xã sẽ có quy trình cụ thể, và không bao giờ thiếu việc trực tiếp đối thoại với người KN-TC.

Từ việc chỉ đạo và kiên quyết thực hiện đúng tinh thần trên, trong 9 tháng của năm 2018, TX. Giá Rai đã hòa giải thành tại cơ sở 156/185 vụ tranh chấp, khiếu kiện. Ở cấp thị xã đã chấm dứt KN-TC kéo dài hàng chục năm đối với 3 vụ việc phức tạp, đã có bản án của TAND Tối cao. Hiện nay, các bên đã bắt tay nhau, thỏa thuận và chấm dứt khiếu kiện.

Một buổi đối thoại với công dân của TX. Giá Rai. Ảnh: K.P - H.Bé

CẤP CƠ SỞ VẪN CÒN HỜI HỢT

Việc đối thoại trong giải quyết KN-TC đã được xác định từ lâu. Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị đã nêu: “Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân”. Từ đó đến nay, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 38 ngày 17/9/2014, Công văn 490/2018 để quán triệt những nội dung chỉ đạo trên. Tuy nhiên, không phải lúc nào, ở đâu, chính quyền cấp cơ sở cũng thấu hiểu và thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Điển hình như trường hợp xảy ra tại xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Bà Nguyễn Thị Thi khiếu nại đến UBND xã một vấn đề, đó là phần đất của Nhà nước trước đây cho gia đình bà mượn để cất nhà ở. Khi Nhà nước cần, gia đình bà đã tháo dỡ nhà và trả đất cho Nhà nước. Tuy nhiên, phần đất này sau đó được bán cho người khác cất nhà trái phép. Đại diện chính quyền xã cho rằng, bà Thi không có liên quan gì đến phần đất (vì đất đã trả cho Nhà nước) mà cũng đi khiếu nại, rồi khiếu nại vượt cấp, gây phiền hà, khó khăn cho địa phương.

Song, với trách nhiệm của một công dân, bà Thi cho rằng, xã thiếu trách nhiệm trong việc để hộ dân cất nhà trên đất Nhà nước. Trong khi gia đình bà chấp hành tốt thì lại bị thiệt thòi.

Giải thích về việc tại sao đi khiếu nại vượt cấp, bà Thi nói: “Tôi đã nhiều lần gửi đơn đến xã, xã đâu có giải quyết. Tôi tìm lãnh đạo xã cũng không gặp, chỉ nghe ngóng từ xa. UBND xã chưa từng tổ chức đối thoại với công dân. Không kêu được ở xã thì tôi lên huyện, lên tỉnh chứ biết làm sao?”. Sau khi khiếu nại lên huyện, gửi đơn đến các cơ quan báo chí, thì UBND xã mới mời bà Thi và gia đình đến để xác minh vụ việc.

Thực trạng “ngâm”, chậm giải quyết các yêu cầu, KN-TC của công dân, hay chuyển đơn lòng vòng, thậm chí là giao cho người không đủ năng lực, trách nhiệm để thụ lý ở một số cơ sở là điều không phải hiếm. Việc làm này dễ làm cho người dân mất lòng tin với cách giải quyết của chính quyền địa phương, thậm chí cho rằng cơ sở có tiêu cực, bao che cho việc làm sai trái. Một khi công dân có suy nghĩ này, thì dẫu sau đó, địa phương có làm đúng quy định đến đâu, người dân cũng sẽ nghi ngờ, thiếu tin tưởng.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG GIẢI QUYẾT KN-TC

Theo ông Hồ Hữu Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh, năm 2018, tình hình giải quyết KN-TC có sự chuyển biến rất lớn so với các năm trước, nhất là ở cấp cơ sở. Nhiều hồ sơ giải quyết, chính quyền cấp cơ sở làm rồi, chuyển lên trên ít bị sửa. Kiến nghị, đề xuất của cấp cơ sở khi lên cấp tỉnh cũng được giữ nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc cấp xã không có lực lượng thanh tra, trình độ năng lực còn nhiều hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến công tác này. Đặc biệt, trong vai trò lãnh đạo cấp xã, nhiều cán bộ cấp xã hứa hẹn với người dân nhưng không làm, không thực hiện, dẫn đến người dân mất lòng tin với địa phương. Thiếu sự đối thoại ngay từ đầu, nên khi đưa ra hòa giải các khiếu kiện tranh chấp, tỷ lệ hòa giải thành thấp.

Cũng theo ông Lượng, trong công tác giải quyết KN-TC, nếu chú trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật, chấp hành đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó cán bộ thường xuyên đối thoại với dân thì sẽ tránh được quan liêu. Từ đó đưa ra hướng đề xuất, giải quyết KN-TC phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của dân, dễ được người dân đồng thuận, chấm dứt khiếu nại. Nhờ thực hiện tốt điều này, Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL đứng đầu về giải quyết KN-TC chấm dứt khiếu kiện. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã giải quyết dứt điểm 97% các tranh chấp, KN-TC, còn trong 9 tháng của năm 2018 đạt 83,8%.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.