“Cơn lốc” tín dụng đen hoành hành

Thứ Hai, 10/09/2018 | 16:12

Trong cuộc sống, đôi lúc con người gặp khó khăn, thậm chí bị rơi vào vòng xoáy nợ nần. Nếu không sáng suốt, đâm đầu vào những nơi cho vay nặng lãi, những tổ chức tín dụng đen, không sớm thì muộn đều sẽ dẫn đến bế tắc.

Những chân rết của các loại hình cho vay theo kiểu nặng lãi, tín dụng đen ngày càng nhiều. Nó len lỏi vào từng ngõ ngách, từ thành thị đến nông thôn. Song, để ngăn chặn, xử lý thì không phải đơn giản, mà hệ lụy thì rất khó lường, nhất là với gia đình, xã hội.

Bài 1: Cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng

Cái xóm nhỏ của Hằng mấy hôm nay sôi động vì chuyện chị T. đột nhiên bỏ đi mất dạng. Anh chồng và đứa con gái nhỏ của chị đóng cửa ở trong nhà chịu trận. Người ta đến nhà đòi nợ, chửi từ sáng đến chiều tối, cả xóm đinh tai nhức óc. Nhóm đòi nợ thuê xông vô nhà, chở đi mấy món đồ, chồng chị T. cũng không dám nói gì.

Một trang web cho vay tiền nhanh.

Lãi mẹ đẻ lãi con

Chị T. bỏ nhà trốn lên TP. Hồ Chí Minh vì không thể gồng gánh nổi các khoản nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Từ một gia đình đủ ăn đủ mặc, chồng làm nghề lái xe tải, chị T. ở nhà buôn bán tạp hóa, hai vợ chồng lại chỉ có 1 đứa con gái, vậy mà giờ đây căn nhà hiu quạnh, trống trải, tài sản thì bị lấy trừ nợ hết. Nghe đâu, chị T. vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng, hàng ngày chỉ tính tiền lãi đã hơn 1 triệu đồng (lãi 30%/tháng).

Chịu đựng được hơn 1 tuần, anh T. gửi con gái về nhà ngoại rồi cũng bỏ đi. Một gia đình tan nát, không biết bao giờ mới gượng dậy nổi. Song,  những kẻ cho vay kia cũng không bỏ cuộc, họ vẫn truy lùng vợ chồng chị T.

Hay trường hợp của L. (phường 1, TP. Bạc Liêu) cũng đang sống dở chết dở vì lỡ vay nợ của tín dụng đen. L. cá độ bóng đá, sau mùa Worl Cup 2018, không chỉ tiền của mình mà L. mượn cả xe của bạn gái (là sinh viên) mang đi cầm. Cầm xe được 30 triệu đồng, nhưng mỗi ngày L. phải đóng lãi 200.000 đồng (lãi suất 20%/tháng). Nếu không đóng lãi 10 ngày, coi như “đứt” xe.

Nói là cầm, nhưng thực tế, khi nhận tiền vay, bạn gái L. đã phải ký tên vào hợp đồng mua bán xe với bên cho vay. Khổ nỗi, với nhiều khoản nợ đều vay với dạng lãi suất 20 - 30%, L. không có khả năng chuộc xe cho bạn gái. Qua 3 tháng, L. đã đóng lãi 18 triệu đồng, nhưng số nợ 30 triệu đồng cầm xe vẫn còn nguyên. Không có xe, bạn gái L. không dám về nhà thăm cha mẹ vì sợ phát hiện ra sự thật. Theo lời L.: “Mấy bữa nay bạn em nó đòi tự tử, em sợ lắm!”.

Quảng cáo cho vay trả góp chỉ cần CMND trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.V

Bẫy tiền

Những kiểu cho vay nặng lãi núp bóng dưới dạng tín dụng cũng đang lên như diều gặp gió. Chỉ cần dừng xe chờ đèn đỏ, người đi đường sẽ nhanh chóng nhận được các tờ rơi quảng cáo vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản hay thủ tục rườm rà. Các cột điện, vách tường cũng bị chiếm dụng để quảng cáo cho vay, thậm chí là tin nhắn điện thoại. Bạn chỉ cần gõ “vay tiền nhanh” trên Google, ngay lập tức sẽ có hàng trăm trang web chào mời.

Từ các quảng cáo rầm rộ này, không ít người đang túng quẫn “mắc bẫy”. Ban đầu họ chỉ nghĩ đơn giản, vay nhanh vài ngày chắc không đến nỗi. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, trả không nổi thì hối hận đã muộn.

Chị N. (phường 5, TP. Bạc Liêu) có 2 người con. Đầu năm học 2017, để đóng tiền trường, tiền mua quần áo, tập vở cho con, chị đành vay nóng 3 triệu đồng. Người cho vay trừ ngay 600.000 môi giới (1 triệu trừ 200.000 đồng), mỗi ngày chị N. phải đóng 30.000 tiền lời. Tiền vốn thì đến hẹn phải trả đủ. Như vậy, tính sơ sơ, vay 3 triệu, trong 1 tháng chị N. phải đóng cho những kẻ cho vay 1,5 triệu đồng. Sau 1 năm, nợ mới trừ nợ cũ, hiện tại chị N. đã phải đóng lãi một ngày 300.000 đồng, số nợ nâng lên 30 triệu đồng. Chị N. mếu máo: “Cả nhà chỉ còn có nước dắt nhau đi Bình Dương lánh mặt. Bây giờ mỗi ngày cả hai vợ chồng làm thuê cũng không đủ đóng tiền lời!”.

Việc đi vay nóng theo kiểu của chị N. không hiếm. Vay 1 triệu đồng, 1 ngày đóng lãi 10.000 đồng. Nhiều gia đình khó khăn, cần số tiền nhỏ để xoay sở nên không kịp tính toán, suy nghĩ nhiều đều nhắm mắt vay đại. Vài ba triệu, ngày đóng vài ba chục ngàn đồng, không cần lo. Nhưng đến hạn trả nợ, không có tiền trả, những kẻ cho vay sẽ nhân đó đưa thêm tiền vay, trừ nợ cũ, cộng vay mới. Cứ thế nợ chồng nợ mà tiền thì chẳng vay được bao nhiêu. Con đường đi vào ngõ cụt cứ ngày càng ngắn lại.

Ở những nhóm vay tầm cao hơn, dành cho những người có điều kiện, có đất đai, có tài sản, họ cần tiền để làm ăn kinh doanh, hoặc đầu tư gấp vào đâu đó mà chưa thể hoặc chưa kịp vay ngân hàng. Những trường hợp này không phải không biết lãi suất cắt cổ, nhưng do đã mắc nợ nhiều, đang “phóng lao thì phải theo lao”. Có không ít người để vay được số tiền vài trăm triệu đồng, hàng ngày chỉ riêng khoản đóng lãi cũng vài triệu đồng, mỗi tháng phải đóng vài chục triệu đồng tiền lãi. Từ đó việc “bể nợ”, tán gia bại sản là chuyện không sớm thì muộn.

Lỗ hổng tín dụng

 “Tín dụng đen” chỉ là một cách nói nôm na các tổ chức, cá nhân tự phát cho vay hoặc núp bóng các đơn vị khác để cho vay tiền dưới các hình thức như cầm cố tài sản, vay tài chính tín chấp… Kiểu vay này nằm ngoài các quy định của hệ thống ngân hàng và quy định của pháp luật về tín dụng. Đa số cho vay qua thỏa thuận với nhau, lãi suất cao.

Theo quy định pháp luật, tổ chức tín dụng phải được thành lập, đăng ký hoạt động hợp pháp. Để thực hiện cho vay thì cần phải tiến hành theo trình tự, thủ tục được quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp. Đây là những quy định bắt buộc nhằm bảo vệ tổ chức tín dụng và cả tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đi vay. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động đa số không đăng ký theo quy định, không có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, sự ràng buộc mang tính chất pháp lý cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn.

(còn tiếp)

P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.