Chuyện người tử tế

Thứ Hai, 06/07/2020 | 16:04

Thời buổi kim tiền, đồng tiền đi liền khúc ruột, người ta kéo nhau ra tòa rất nhiều cũng chỉ vì những câu chữ đó. Giành giật, hơn thua, thù hận… là tâm trạng dễ nhận thấy ở các phiên tòa xét xử các vụ việc tranh chấp.

Ấy vậy mà dì ra tòa, lại đơn giản là đi trả đất. Đất mà vợ chồng dì đã quản lý từ mấy chục năm nay, đã được cấp sổ đỏ đàng hoàng.

Hành lang phòng chờ tòa án cuối buổi sáng. Người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi, tay cầm xấp vé số cứ lóng ngóng, lo lắng không yên. Thấy tôi, dì năn nỉ “cô ơi cô mua dùm tôi vài tờ vé số được không cô?”. Tôi mua cho dì vài tờ vé số, cũng góp ý rằng nơi này không phải nơi để vào bán vé số. Dì thở hắt ra, than: “Tui biết chứ. Mà vì có việc ở tòa, tui ngồi đợi đây từ sáng đến giờ. Đi bán thì không dám, mà không bán thì ôm vé số chắc chết”. Nghe vậy, nhiều người khác cũng đến lấy dùm cho dì, người vài tờ cho bớt đi nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ lam lũ.

Hỏi sao dì phải “đáo tụng đình”, có gì khó khăn không. Dì lắc đầu nói, “khó thì không khó, vì tui đi trả đất. Đất của vợ chồng tui đứng tên sổ đỏ, mấy chục năm rồi. Nhưng nguồn gốc đất là của một người khác, ông ấy cho vợ chồng tôi ở lâu lắm rồi”. Vợ chồng dì đã an cư lạc nghiệp, thì cách đây vài năm, ông ấy làm ăn thua lỗ, trở về quê tìm vợ chồng dì có ý xin lại phần đất đó. Ở thời đại mà “tấc đất tấc vàng”, ấy vậy mà vợ chồng dì đồng ý trả lại toàn bộ số đất trước đây, hiện tại thời giá chắc nhiều tỷ đồng chỉ để nhận lại hỗ trợ một căn nhà có giá vài trăm triệu đồng làm chỗ dưỡng già, thật khiến người ta khâm phục. Chuyện sẽ đẹp nếu không có sự cố khi người đàn ông chủ đất ngày xưa đột ngột qua đời, trong đám người thừa kế có một đứa con quá quắt, đòi phải nhận phần hơn trong số tài sản cha mình để lại, có cả phần đất mà vợ chồng dì đã thống nhất trả lại. Thế là kéo nhau ra tòa, vợ chồng dì ít chữ, cũng liên đới phải ra tòa đối chất. Dì nói với tôi, dì không biết gì hết, ai kêu ký thì ký, cũng không hiểu chuyện nhiều. Rồi cũng không biết khi trả đất xong, ai sẽ là người hỗ trợ lại căn nhà để vợ chồng dì có chỗ nương thân như thỏa thuận ban đầu với người đã khuất.

Từ một người tử tế, đến mức gần như hiếm thấy ở xã hội bây giờ, dì lại phải khổ sở vì tới lui tòa án, không đi bán vé số được, mất thu nhập hàng ngày. Còn người con trai kia, chắc anh không biết ngại, khi người dưng mà người ta còn xử sự với cha anh như thế. Còn anh thì lại lôi kéo anh em ra tòa, giành giật tài sản mà lẽ ra, nếu không có sự hào sảng của vợ chồng dì trả lại, cũng đâu có gì để cho anh chia chác?

Ở một diễn biến khác, tôi lại chứng kiến một câu chuyện hay ho, khi bị hại xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì đã phạm tội cướp tài sản của chính bị hại. Trước khi vào nghị án, chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo H. hỏi các bị hại, yêu cầu như thế nào về xử lý hình sự với bị cáo. Bị hại T. đã xin tòa giảm nhẹ tội cho bị cáo, để bị cáo sớm đoàn tụ với gia đình, trở thành người lương thiện và lao động chân chính. Hỏi bị hại, lý do gì xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bị hại không tức giận vì bị lừa gạt mất của hay sao? Bị hại cười nói: “Chuyện đã qua rồi, bị cáo đã nhận lỗi hết rồi. Hình phạt cũng có rồi, nặng một chút, nhẹ một chút mà có thể giúp người ta sớm hoàn lương, cũng tốt”.

Thông thường, để có thể có được yêu cầu giảm nhẹ hình phạt của bị hại, gia đình các bị cáo phải bồi thường vật chất đủ để những người bị hại thấy đã được bù đắp, như một sự trao đổi thì họ mới chịu xin bãi nại hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Trong khi cho đến thời điểm hiện tại, bị cáo cũng chưa có gì để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại. Ở đây chỉ có thể chứng minh một điều, đó là tình người vẫn tồn tại, dù ở góc này hay góc khác, nhưng những người tử tế thật sự vẫn còn đó. Họ nhìn cuộc sống và ứng xử đơn giản, nhưng thấm đẫm nhân văn.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.