Cải cách tư pháp: Còn nhiều việc phải làm

Thứ Sáu, 13/03/2020 | 18:02

Những năm gần đây, công tác cải cách tư pháp (CCTP) luôn được tỉnh quan tâm theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp. Mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân.

Hội nghị tổng kết công tác CCTP năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Ảnh: K.P

Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi cũng còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCTP, xem đây là nhiệm vụ của ngành chuyên môn. Một số cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc cũng còn sơ suất dẫn đến sai sót… Tất cả những hạn chế, tồn tại trên cần được sớm khắc phục, đó là quan điểm chỉ đạo kiên quyết của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCTP tỉnh Bạc Liêu cho thời gian tới.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp

Để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập BCĐ CCTP tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam làm Trưởng ban. BCĐ đề ra chương trình trọng tâm, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với lĩnh vực công tác chuyên môn và chức trách được giao theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược CCTP đến năm 2020.

Cụ thể trong năm 2019, cơ quan điều tra đã khởi tố 532 vụ việc, liên quan đến 573 bị can, bắt và vận động 81 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Viện kiểm sát hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với tòa án tổ chức 61 phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng tại tòa, nâng cao chất lượng xét xử trên tinh thần CCTP. Tòa án hai cấp thụ lý 6.428 vụ án các loại, đã giải quyết 5.681 vụ án. Thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh cũng thụ lý hơn 14.000 vụ việc, đã giải quyết xong 8.500 vụ việc.

Các cơ quan tư pháp tổ chức 69 phiên tòa rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của những người tiến hành tố tụng, chất lượng các phiên tòa được nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu CCTP, đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh, nhất là cán bộ có chức danh còn hạn chế, bất cập cả về năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Tại cuộc họp tổng kết công tác CCTP hồi đầu năm 2020, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu đại diện các cơ quan tư pháp, các cơ quan phối hợp phải tự mình đánh giá đầy đủ nhất những khó khăn, hạn chế của từng đơn vị. Việc thực hiện nhiệm vụ CCTP ở địa phương, đơn vị mình đã làm được gì, chưa làm được gì, mạnh dạn chỉ rõ những tồn tại thì mới có thể sớm tháo gỡ.

Từ sự cởi mở đó, nhiều địa phương, đơn vị đã có những đóng góp có giá trị cho công tác CCTP của tỉnh. Đồng chí Trà Văn Bắc, Phó Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng nhiều lúc chưa tốt, việc trả hồ sơ qua lại nhiều trường hợp còn kéo dài, tạo dư luận không tốt tại địa phương. Nguyên nhân theo ông Bắc chỉ ra là nhận thức pháp luật của các bên nhiều lúc khác nhau, tâm lý sợ trách nhiệm bồi thường, thận trọng khi xử lý hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó là vấn đề tranh tụng, trình độ của đội ngũ luật sư còn hạn chế.

Nói đến vấn đề con người, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng đều có chung một khó khăn, chính là nguồn nhân lực (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) đều trong tình trạng thiếu trong khi việc thì tăng không ngừng. Ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, hiện hệ thống tòa hai cấp vẫn còn thiếu 26 thẩm phán, trong khi hàng năm số vụ việc tăng 25%. Việc tái bổ nhiệm rất khó, mỗi thẩm phán 1 năm chỉ cần tỷ lệ án bị hủy 1,16% trở lên là không thể tái bổ nhiệm.

Nói đến CCTP thì một trong những yếu tố quan trọng chính là phải cải cách ở khâu tranh tụng tại các phiên tòa. Tuy nhiên, theo ông Vưu Nghị Bình, Giám đốc Sở Tư pháp thì hiện Bạc Liêu chỉ có 32 luật sư. Trung bình một năm toàn tỉnh có khoảng 5.000 vụ việc thì luật sư chỉ tham gia từ 3 - 5%, quá thấp so với yêu cầu của Bộ Tư pháp (ít nhất là 15%). Ngoài ra phải nhìn nhận thẳng vấn đề là mặt bằng về uy tín, thương hiệu của luật sư tại tỉnh còn yếu. Bên cạnh đó, đau đầu và vướng mắc nhất lại thuộc về khâu giám định tư pháp, rất nhiều vụ việc điều tra phải chờ đợi kết quả giám định tư pháp đến mỏi mòn, nhất là trong các lĩnh vực giám định tài chính, kế toán, đất đai, xây dựng còn rất nhiều hạn chế. Điều này còn ảnh hưởng liên quan đến công tác điều tra, đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.