Cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp

Thứ Tư, 13/03/2019 | 16:46

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, ngành Tư pháp đã và đang áp dụng những mô hình mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là các việc liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Thể hiện quyết tâm góp phần cùng với chính quyền cấp tỉnh trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, gần dân, được nhân dân tin tưởng.

>>> Bài 1: Những vấn đề từ cơ sở

Bài cuối: Bài toán về sự thay đổi nhận thức

Ngành Tư pháp hiện nay, nhất là tư pháp cấp huyện, cấp xã, ngày càng được giao, phân cấp thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới, khó khăn phức tạp, ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Trong khi đội ngũ công chức tư pháp cấp huyện, nhất là cấp xã lại thường xuyên biến động, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ mới được giao.

Bộ phận tư pháp hộ tịch tại phòng Một cửa xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). Ảnh: K.P

Khó khăn chồng chất

Theo báo cáo của hầu hết các phòng tư pháp cấp huyện, hạn chế lớn nhất của cán bộ tư pháp (CBTP) ở cấp cơ sở chính là công việc thiếu tính ổn định. Các địa phương vì nhu cầu cán bộ, thường xuyên luân chuyển các vị trí, trong khi công việc tư pháp khá đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ. Không hiếm trường hợp, CBTP cấp xã do mới tiếp nhận nhiệm vụ nên thường xuyên xảy ra sai sót trong việc giải quyết hồ sơ hộ tịch, dẫn đến chất lượng công tác đạt hiệu quả chưa cao theo yêu cầu đề ra, khiến người dân phiền hà. Tuy thấy được hạn chế này, nhưng theo ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp thì “lực bất tòng tâm”, bởi việc bổ nhiệm, luân chuyển các chức danh ở cấp xã, là thuộc thẩm quyền của UBND, Sở Tư pháp không thể can thiệp.

Công việc mà Sở Tư pháp có thể làm là hỗ trợ, tập huấn, nâng cao trình độ cho CBTP ở cơ sở. Do đó, hàng năm, việc tập huấn cho CBTP xã, phường, thị trấn luôn được ngành Tư pháp quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, dù có tập huấn, nhưng với số lượng một năm vài cuộc thì khó đảm bảo yêu cầu. Chỉ khi chính quyền cấp cơ sở, UBND các huyện, thị, thành phố thật sự quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức dự nguồn, nhất là ở các chức danh cần chuyên môn nghiệp vụ thì khi đó mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Qua nhiều chuyến khảo sát thực tế, ở cấp cơ sở, thậm chí là cấp huyện, hoạt động tư pháp dường như ít được quan tâm chú trọng hơn so với một số lĩnh vực như: kinh tế, địa chính, xây dựng cơ bản, an sinh xã hội. Lãnh đạo ở các địa phương, rất ít người sâu sát đến các hoạt động của lĩnh vực tư pháp. Nhiều nơi vẫn cho rằng, những việc đăng ký khai sinh, kết hôn, chứng thực công chứng chỉ là những việc đơn giản không cần lo bằng chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, chuyện làm sao để dân thoát nghèo, địa phương mau chóng đạt xã nông thôn mới, đô thị văn minh…

Làm sao để dẹp “cò” tư pháp

Chỉ nêu một câu chuyện đơn giản, làm bộ hồ sơ và xin chứng thực vài loại giấy tờ cho con đi học, vì lý do “không quen đi làm giấy tờ” mà chú A. - hàng xóm nhà tôi phải nhờ người quen, rồi “cà phê, thuốc lá” cho người làm giúp. Trong khi chỉ cần đến UBND phường, nộp hồ sơ rồi ngồi chờ một chút là xong. Điều này thể hiện một thực tế, dù các địa phương, các ngành, các cấp vẫn đang nỗ lực từng ngày để hướng đến đơn giản hóa TTHC, để người dân và doanh nghiệp ngày càng cảm thấy dễ dàng khi liên hệ thực hiện các thủ tục giấy tờ. Nhưng đâu đó, với một bộ phận nhân dân, việc đến cơ quan công quyền, phải tiếp xúc với giấy tờ hành chính, với nhiều thủ tục vẫn còn quá sức. Đó là chưa nói, nếu gặp phải cán bộ giải quyết thiếu nhiệt tình, hoặc cố tình gây khó dễ, thì lại càng khó. Lĩnh vực tư pháp càng khó gấp nhiều lần, bởi nó toàn liên quan đến các giấy tờ thủ tục mang tính pháp lý. Do đó, “cò” ở lĩnh vực này cũng có nhiều đất để “dụng võ”. Đặc biệt ở các lĩnh vực như đăng ký kết hôn với người nước ngoài, cho - nhận con nuôi, cải chính hộ tịch…

Thực hiện Quyết định số 225 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 12/10/2015 của UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ CCHC của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo cải cách về thể chế, CCHC, nâng cao chất lượng đội ngũ CBTP... Bên cạnh đó, để tạo đều kiện cho tổ chức và cá nhân khi tham gia TTHC, ngành Tư pháp đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính. Năm 2018, đã tiếp nhận, trả kết quả hàng ngàn hồ sơ TTHC.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp cũng được chú trọng. Việc khai thác sử dụng phần mềm quản lý văn bản OMS đến tận cấp huyện và công chức tư pháp cấp xã. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc tiếp nhận TTHC Cấp phiếu lý lịch tư pháp được triển khai thực hiện đồng bộ thống nhất. Dự án “Tin học hóa công tác quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” cũng đang được triển khai nhằm giảm thiểu thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả công việc cho công chức tư pháp - hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn và khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm do Bộ Tư pháp cung cấp.

Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ tư pháp cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh cần cho chủ trương để ngành đào tạo mỗi năm từ 2 - 3 lớp nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ tư pháp ở cơ sở. Đồng thời chấp thuận cấp vốn cho Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp Sở Tư pháp quản lý chặt chẽ lĩnh vực này và bảo đảm an toàn pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch. Bởi đây chính là hoạt động dễ phát sinh nhiều rắc rối, tranh chấp sau này, nếu không quản lý tốt.

Vai trò của tư pháp trong xây dựng chính quyền

Trong hàng trăm công việc phải đảm trách ở địa phương, để xây dựng chính quyền vững mạnh cho dân, không việc nào là không quan trọng. Đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ, đầu tàu của cả nước đang ra sức kêu gọi, xây dựng một nhà nước pháp quyền, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ. Một nền công vụ chuyên nghiệp, lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, một chính phủ thân thiện. Để làm được điều đó, không thể thiếu vai trò của ngành Tư pháp.

Công tác tư pháp có vai trò quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Trong đó công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu CCHC, cải cách tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh hàng năm. Các TTHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp đã góp phần đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Sở Tư pháp nhiều năm nay đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả bộ phận “một cửa” đặt tại trụ sở cơ quan để giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thật sự tạo thuận lợi cho nhân dân, bởi không ít người, khi thực hiện một số thủ tục như cấp phiếu lý lịch tư pháp, quốc tịch, bổ trợ tư pháp phải chạy khắp nơi để tìm đúng chỗ nộp hồ sơ. Người dân mong mỏi UBND tỉnh sớm đưa Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động, để các thủ tục của nhiều sở, ngành, trong đó có lĩnh vực tư pháp, được gom về một đầu mối.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.