Ban hành văn bản quy phạm pháp luật​ Thực trạng và giải pháp

Thứ Sáu, 23/08/2019 | 16:26

>> Bài 1: Nhiều hạn chế trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Bài cuối:  Từ luật đến đời sống

Sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật (XDPL), về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động XDPL; góp phần đưa công tác XDPL ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng VBQPPL, từng bước khắc phục được tình trạng hệ thống VBQPPL cồng kềnh, phức tạp.

Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị đã phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của mình, quá trình xây dựng văn bản cũng đã thực hiện đúng theo quy trình, góp phần không nhỏ vào việc quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai từ giai đoạn lập đề nghị đến xem xét thông qua dự thảo và ký ban hành, vẫn còn những tồn tại dẫn đến không ít VBQPPL khó đi vào cuộc sống.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Sở LĐ-TB&XH liên quan đến việc ban hành VBQPPL. Ảnh: K.P

Khi VBQPPL chưa sát với thực tiễn

Đầu tháng 8/2019, trong đợt giám sát của HĐND tỉnh liên quan đến công tác ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh, quá trình làm việc với Sở Tư pháp - cơ quan tham mưu, “gác cổng” cho HĐND, UBND trong công tác thẩm định, đã bộc lộ nhiều vấn đề. Mà đó cũng xem là những nguyên nhân dẫn đến việc có không ít VBQPPL không đi vào cuộc sống.

Ở góc độ chủ quan, Sở Tư pháp cho rằng, với cả “núi” công việc thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp trong quản lý thực hiện theo Luật Ban hành VBQPPL mà chỉ có 3 công chức nên luôn trong trạng thái quá tải, áp lực rất lớn. Ở yếu tố khách quan, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ “gác cổng” của Sở Tư pháp hiện tại chủ yếu có trình độ chuyên môn của đại học Luật, nên trong nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ bản, tài chính sẽ khó mà bao quát hết. Do đó, thẩm định về hình thức luôn đảm bảo nhưng thẩm định về nội dung, nhất là những lĩnh vực ngoài luật còn nhiều hạn chế. Từ đó dẫn đến nhiều bất cập trong thực hiện các chính sách, Sở Tư pháp cũng yêu cầu tăng cường thêm cán bộ chuyên trách am hiểu chuyên sâu ở các lĩnh vực trên.

Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của UBND tỉnh được thực hiện qua các bước: lập đề nghị xây dựng quyết định, soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo, thẩm định, trình thông qua dự thảo và ký ban hành. Ở giai đoạn lập đề nghị xây dựng quyết định, sự phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tại, chưa có ý kiến của Sở Tư pháp thì Văn phòng UBND tỉnh từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Còn đối với Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn từ năm 2016 - 2018, trong số 6 nghị quyết (NQ) tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách thì có 2 NQ gặp vướng mắc, không thể triển khai thực hiện trong thực tiễn. Đó là NQ số 17/2017, NQ số 15/2018 về phê chuẩn đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2016 - 2020 và quy định chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đối với đối tượng là nạn nhân nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình. Trong đó, NQ số 17 gặp vướng vấn đề kinh phí hỗ trợ còn NQ số 15 thì không có đối tượng để thực hiện, tức là đối tượng không có nhu cầu.

Nói đến vấn đề này để thấy rằng, khi quy trình ban hành VBQPPL như NQ của HĐND, bên cạnh việc tốn kém thời gian, kinh phí xây dựng, soạn thảo, trình thông qua... thì việc các NQ không đi vào cuộc sống còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Trước nhất là thể hiện việc xây dựng, rà soát, đánh giá không gắn liền với đời sống, thiếu thực tiễn, rà soát sơ sài, đánh giá thẩm định chưa tới, nhất là liên quan đến yếu tố nguồn lực, khả năng tài chính, nhu cầu của những đối tượng chịu tác động... Lớn hơn là sự suy giảm niềm tin của nhân dân với các quyết sách của cơ quan quyền lực nhà nước. Và câu chuyện “tuân thủ pháp luật” vẫn luôn nóng trong các diễn đàn, các kỳ họp HĐND.

Cần có những giải pháp căn cơ

Nói đến vấn đề làm hết trách nhiệm của người “gác cổng” trong hoạt động ban hành VBQPPL, trong năm 2019, Sở Tư pháp đã kiên quyết trong quá trình thẩm định, không nhân nhượng với kiểu cơ quan được giao soạn thảo thực hiện qua loa chiếu lệ, làm theo kiểu lấy có. Đơn cử như dự thảo quy định về thu phí Cảng cá Gành Hào, quy trình thực hiện của cơ quan soạn thảo hết sức sơ sài, khi gửi sang Sở Tư pháp thẩm định có đến 7 vấn đề bị yêu cầu phải làm lại thì cơ quan “gác cổng” đã mạnh dạn trả lại dự thảo không thông qua. Điều này cũng vấp phải sự phản ứng của cơ quan được giao soạn thảo văn bản, tuy nhiên, nếu không kiên quyết thì tiếp tục sẽ có những NQ, quyết định chỉ có hiệu lực... trên giấy!

Bên cạnh nguyên nhân do năng lực, trình độ của cán bộ được giao soạn thảo văn bản không đảm bảo, thì việc nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không có phòng pháp chế, thậm chí không bố trí được công chức chuyên trách cũng ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu soạn thảo, ban hành VBQPPL. Ngoài ra, các dự thảo VBQPPL gửi đến cơ quan thẩm định thường tập trung vào gần kỳ họp của HĐND, phiên họp UBND, không ít dự thảo khi đưa thẩm định cận kề ngày họp đã gây khó khăn, áp lực, nhất là khi đó là những dự thảo trong kế hoạch phải thông qua tại kỳ họp.

Để công tác ban hành VBQPPL được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ở tầm vĩ mô, chắc chắn sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi từ Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Làm sao tiếp tục đề cao vai trò của việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách. Muốn như vậy, phải thay đổi tư duy về cách thức XDPL từ trước đến nay.

Ở góc độ của tỉnh, cần quy định rõ ràng, hợp lý hơn trách nhiệm của cơ quan trình văn bản trong suốt quá trình xây dựng, ban hành văn bản, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ, giải trình các chính sách do mình đề xuất. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị trong mọi giai đoạn của quá trình tham gia soạn thảo, thẩm định, lấy ý kiến. Xác định hợp lý hơn các loại văn bản phải thực hiện quy trình lập đề nghị (quy trình chính sách) trước khi soạn thảo. Tăng cường biện pháp, hình thức trao đổi, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác ban hành VBQPPL. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức cho không chỉ đội ngũ trực tiếp làm công tác soạn thảo, mà như Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã chỉ ra rằng, phải tập trung tuyên truyền đến tất cả các đối tượng có liên quan, thậm chí là giám đốc, phó giám đốc các đơn vị, chủ tịch, phó chủ tịch các địa phương. Bởi nếu lãnh đạo đơn vị, địa phương không sâu sát, không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc thực hiện công tác ban hành VBQPPL thì khó mà hướng tới được việc có những chính sách, quyết sách thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật, lại phù hợp với cuộc sống.

Kim Phượng

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.