Bạc Liêu: Nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thứ Sáu, 03/08/2018 | 15:57

Bạc Liêu đang nỗ lực thực hiện quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thế nhưng, chỉ 1 tháng sau khi EC kết thúc chuyến kiểm tra, đánh giá việc khắc phục “thẻ vàng” của nước ta vào tháng 5/2018, 2 chiếc tàu cá của tỉnh đã khai thác thủy sản xâm phạm vùng biển Indonesia và bị bắt giữ đến nay.

Việc lắp đặt máy thông tin liên lạc tích hợp thiết bị vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp chính quyền có tọa độ của tàu và đưa ra biện pháp bảo vệ nếu tàu bị nước ngoài bắt ở vùng biển chồng lấn.

SỐ TÀU CÁ VI PHẠM TĂNG CAO

Cả 2 chiếc tàu cá bị bắt đều của ngư dân ở phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) gồm tàu BL 91062TS của bà Trần Thị Hồng (10 thuyền viên) và BL 91088TS của ông Lê Thanh Phong (7 thuyền viên). Theo thông tin từ phía gia đình một chủ tàu, họ vừa sang Indonesia và liên hệ với một đường dây để giải quyết vụ việc. Giá đưa ra là 100 triệu đồng mỗi thuyền viên, nhưng vẫn phải chịu ngồi tù khoảng 4 tháng, chiếm 2/3 thời gian thụ án. Chủ tàu này thừa nhận với Đồn biên phòng Nhà Mát trước khi bị phía Indonesia bắt, họ đã thực hiện một vụ đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài, lãi gấp 3 lần chuyến đánh bắt trong vùng biển nước ta.

Thượng tá Hoàng Quốc Việt, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nhà Mát, cho biết ngư dân cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài xuất phát từ động cơ kinh tế. Bởi, chỉ cần 2 lần không bị phát hiện, đến lần thứ ba mà có bị bắt, họ sẵn sàng bỏ tàu.

Số tàu cá Bạc Liêu vi phạm vùng biển nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay cao gấp đôi so với cả năm 2017. Các ngư trường quen thuộc của ngư dân đang cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và gặp nhiều mưa gió. Nghề lưới là nghề thế mạnh của tỉnh, chiếm khoảng 70% lượng tàu đánh bắt thủy sản ở vùng lộng, vùng khơi, thế mà nhiều tàu đã và đang nằm bờ hoặc sang bán. Do đó, ngư dân phải đi tìm ngư trường ở các vùng biển chồng lấn nên bị bắt, cũng có tàu cố ý xâm phạm lãnh hải nước bạn.

Hành vi này là một trong nhiều nguyên nhân khiến EC ra Công thư 5837061 ngày 23/10/2017 phạt “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) và mới gia hạn đến tháng 1/2019. Hậu quả của “thẻ vàng” không những khiến đường vào EU của sản phẩm thủy sản nước ta gặp khó, mà một số nước khác cũng căn cứ vào đó để hạn chế nhập hàng của Việt Nam.

Đối với Bạc Liêu, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nền kinh tế năm 2017 với 42,4%. Năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh đạt gần 112.000 tấn, tăng 4,3% và tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Quốc Quý

CẦN SỰ TỰ GIÁC CỦA CHỦ TÀU

Ngay sau khi EC tuyên bố áp dụng “thẻ vàng”, Chính phủ và 28 tỉnh, thành phố có biển tập trung triển khai các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về IUU. Ngày 3/8/2018, Chính phủ họp trực tuyến với các ngành, địa phương liên quan để đánh giá kết quả và đưa ra hướng đi thực hiện 9 khuyến nghị của EC trong thời gian tới. Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 15/KH-UBND ngày 27/2/2018 thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cơ quan quản lý cảng, chủ tàu khai thác thủy sản, ngư dân, doanh nghiệp thu mua, công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản thực hiện các quy định của EC về IUU.

Sau đó, Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương mở 10 lớp tuyên truyền vấn đề này cho ngư dân 10 xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có công suất máy từ 90CV (mã lực) trở lên ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký chuyển tải, thu mua thủy sản trên biển và khai báo thông tin trên phiếu kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản. Tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải), Sở NN&PTNT lập văn phòng đại diện để kiểm tra tàu ra vào cửa biển từ tháng 6/2018.

Còn đối với một địa phương có 169 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó 90 chiếc hoạt động vài tháng trên biển mỗi chuyến, chính quyền phường Nhà Mát đã lập 5 tổ tự quản an ninh trật tự trên biển vào đầu năm. Ông Ngô Vũ Lộc, Chủ tịch UBND phường Nhà Mát cho biết các tàu cá trong tổ hỗ trợ nhau hoạt động trên biển, cung cấp thông tin liên quan đến an ninh trật tự trên biển cho các cơ quan chức năng và giám sát nhau, hạn chế việc vi phạm vùng biển nước ngoài.

Song song đó, chính quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật và pháp luật khác. Hiện có hơn 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ lắp máy thông tin liên lạc tích hợp thiết bị vệ tinh, đồng bộ với thiết bị Trạm bờ của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đặt tại cửa biển Nhà Mát. Toàn bộ hải trình của tàu cá tự động gửi về, lưu trữ tại Trạm bờ, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, dữ liệu này giúp ích cho công tác quản lý nhà nước và bảo vệ ngư dân khi bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt tại vùng biển chồng lấn. Còn lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá và thuyền viên ra vào cửa biển; sẽ trích xuất, kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hải trình khi tàu vào cửa biển. Tỉnh cũng có kế hoạch đóng mới tàu kiểm ngư trị giá trên 7 tỷ đồng thay thế tàu kiểm ngư hiện tại đã hoạt động 18 năm, có tốc độ tối đa chỉ 5 - 6 hải lý/giờ (tương đương 11km/giờ), không đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển.

Cả nước đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC để tổ chức này sớm xóa bỏ “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Bạc Liêu là địa phương có trách nhiệm trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này. Song, sự thành công, hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào ý thức tự giác chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng, bởi khi tàu hoạt động xa bờ thì chính quyền địa phương không còn quản lý được. Xét cho cùng, việc tự giác thực hiện IUU là vì lợi ích kinh tế lâu dài, bền vững của chính các chủ tàu, ngư dân.

Nguyễn Quốc

Mức phạt hành vi vi phạm về đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước khác sẽ được tăng lên gấp hàng chục lần, kèm theo nhiều hình phạt bổ sung.

Theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 70 - 100 triệu đồng, còn dự thảo Nghị định mới thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, mức phạt này từ 0,8 - 1 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng đến 1 năm; buộc chủ tàu cá chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.