Xây dựng thương hiệu gắn với tiêu thụ nông sản: Còn nhiều khó khăn

Thứ Sáu, 03/05/2019 | 17:04

Để tránh điệp khúc được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, nông dân cần xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản. Song, xây dựng thương hiệu không chỉ dừng ở việc đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, mà phải từng bước hoàn thiện thương hiệu, khẳng định chất lượng và gắn với tiêu thụ nông sản trên thị trường.

 Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên.

 Doanh nghiệp chế biến thủy sản phân cỡ tôm trước khi sơ chế để xuất khẩu.

 Doanh nghiệp thu mua măng tây của nông dân xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ

Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho những sản phẩm chủ lực đặc trưng, Bạc Liêu đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) một số sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, Cục SHTT đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là muối Bạc Liêu và gạo Một bụi đỏ Hồng Dân. Các sản phẩm được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể là Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, Hợp tác xã (HTX) tôm cua giống Gành Hào, HTX Ngò rí Bạc Liêu, HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu. Các sản phẩm được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường là Khô mắm Tứ Hải, Thanh nhãn Bạc Liêu, Trang trại nuôi tôm sú sạch Sáu Ngoãn… Việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nhằm bảo vệ lợi ích sản phẩm hàng hóa trên thị trường và khẳng định chất lượng hàng hóa.

Một sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe như diện tích, phương pháp canh tác, đất đai, khí hậu, kỹ thuật thâm canh, chất lượng sản phẩm... Sản phẩm đó phải tồn tại ở địa phương lâu năm. Nếu để mất thương hiệu, không chỉ người nông dân thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến các địa phương, HTX bảo hộ sản phẩm đó.

Trên thực tế, không ít sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến khiến sức tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, giá trị thương hiệu chưa cao. Đơn cử như gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, ngò rí Bạc Liêu… Các sản phẩm này tuy có nhãn hiệu, thương hiệu, nhưng nông dân chưa có lợi nhuận cao; việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp không ít khó khăn.

Đại diện Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, cho biết: “Từ khi thành lập Hội đến nay, các thành viên vẫn tự mua, tự bán. Nông dân thì sản xuất không theo quy trình, các nhà máy tự thu mua lúa, không bao tiêu sản phẩm”.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD-KH&CN hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, các cá nhân xây dựng thương hiệu với những sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh để đưa những sản phẩm có thương hiệu của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng.

Thương hiệu sản phẩm không chỉ nâng tầm sản phẩm, chất lượng sản phẩm, mà phải mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, doanh nghiệp. Để thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi ngày càng mở rộng, phải thay đổi về tư duy quản lý, tư duy sản xuất. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng chuỗi cung ứng gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi; xây dựng mô hình thí điểm nâng cao chất lượng gạo an toàn theo hướng VietGAP; yêu cầu nông dân thay đổi tập quán canh tác; khuyến khích sử dụng thuốc, phân vi sinh; giảm tối đa phân bón, thuốc hóa học; tiếp tục cải thiện giống Tài nguyên thuần chủng.

Cùng với đó là tuyên truyền nâng cao ý thức, đạo đức cho doanh nghiệp trong kinh doanh, không trộn gạo rẻ tiền làm mất phẩm chất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi. Đặc biệt, cần thành lập các HTX sản xuất lúa Tài nguyên chất lượng, phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn; liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo Tài nguyên để giữ vững thương hiệu lâu dài.

Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Huyện đã cho phục tráng giống lúa Tài nguyên và hình thành các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo quy trình lúa sạch VietGAP. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa Tài nguyên Vĩnh Lợi cho nông dân”.

Minh Đạt

------------------------------------------------------------

Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng 21 cánh đồng lúa lớn (diện tích canh tác là 11.372ha). Sản lượng lúa được bao tiêu là 263.307 tấn (chiếm 23,71% sản lượng). Các giống lúa được bao tiêu chủ yếu là giống chất lượng cao như RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 4900, OM 5451... Trên 40 công ty, doanh nghiệp, HTX, đại lý tham gia bao tiêu, như: HTX Vĩnh Cường, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Hiếu Nhân, Công ty Thuận Minh, HTX Hữu Nghị...

Thực hiện liên kết chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, Công ty Cổ phần Tôm miền Nam, Công ty Ngọc Trí đã ký kết với các HTX, tổ hợp tác bao tiêu gần 1.400ha tôm sú nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến (theo tiêu chuẩn Global GAP/ASC), mô hình tôm - rừng. Tổng sản lượng bao tiêu hàng năm trên 500 tấn tôm…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.