Xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Sáu, 18/01/2019 | 16:43

Năm 2018, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, khẳng định là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến xây dựng nền nông nghiệp - nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chế biến tôm xuất khẩu ở TX. Giá Rai.

Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao

Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Phấn đấu đạt tổng diện tích canh tác lúa 98.478ha, diện tích gieo trồng 188.692ha, sản lượng 1,12 triệu tấn. Đồng thời xây dựng lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, lịch xuống giống né rầy trong sản xuất lúa sát với thực tế; tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn hại lúa. Qua đó giúp nông dân có lãi tối thiểu 30% so với tổng doanh thu.

Cùng với đó, cơ cấu giống lúa sản xuất đại trà theo hướng lúa chất lượng cao đạt từ 80 - 90%; thực hiện các giải pháp để giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha; giữ ổn định vùng sản xuất chuyên trồng lúa nước (sản xuất 2 - 3 vụ/năm); chuyển dịch mô hình 3 vụ lúa ở các khu vực gặp khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu. Phát triển các loại màu (bắp, đậu tương, rau màu...) trên đất ruộng dựa trên nhu cầu thị trường; mở rộng diện tích đất trồng lúa - tôm theo quy hoạch đối với các vùng hội đủ các điều kiện sản xuất...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Áp dụng chương trình IPM, quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; sử dụng tiết kiệm nước, quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá cộng đồng; quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có hiệu quả. Khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng. Chủ động phòng chống ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn cho lúa; xây dựng các trạm bơm nước; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng.

Tiếp tục phát động, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng các cánh đồng rau an toàn, rau sạch. Đồng thời khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng.

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu.

Xây dựng ngành công nghiệp tôm

Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 360.000 tấn; trong đó sản lượng tôm 150.000 tấn, cá và thủy sản khác 210.000 tấn. Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng khu, vùng nuôi trong thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh theo quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh, từng bước hình thành trung tâm sản xuất tôm giống có uy tín, thương hiệu mạnh của vùng và cả nước.

Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực là con tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Phát huy lợi thế nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch như mô hình tôm - rừng, rừng - tôm, mô hình tôm - lúa ở vùng phía Nam Quốc lộ 1; mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi, hướng đến nuôi thủy sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học… Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ hợp tác, liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. 

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm và lúa, thực hiện chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Xây dựng các cánh đồng lúa lớn, cánh đồng tôm lớn, thành lập các hợp tác xã, xây dựng mỗi làng một sản phẩm để các địa phương có sản phẩm chủ lực. Đồng thời đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định đời sống nông dân…”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.