Xây dựng Đề án phát triển kinh tế vùng và tiểu vùng Bán đảo Cà Mau: Nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững

Thứ Hai, 29/07/2019 | 15:30

Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro, thách thức. Để hóa giải các thách thức và tạo nên những cơ hội, động lực mới cho phát triển, chủ động hội nhập thì không có con đường nào khác ngoài đẩy mạnh liên kết. Đây chính là lời giải tất yếu để tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và hướng đến phát triển bền vững.

Hội thảo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: L.D

VÌ SAO PHẢI LIÊN KẾT?
Tiểu vùng BĐCM gồm 4 tỉnh là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Xét về điều kiện tự nhiên và lợi thế cạnh tranh gần như giống nhau. Đó là thế mạnh về kinh tế biển mà nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy hải sản là đặc thù. Trong khi đó, đây đều là những tỉnh nằm sát với biển và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nhất là triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng và sạt lở…
Tiều vùng BĐCM, ngoài nuôi trồng thủy sản còn có vùng chuyên sản xuất lúa, thủy hải sản nước ngọt, lợ và điều kiện về thời tiết, thổ nhưỡng, tạp quán sản xuất… gần như tương đồng với nhau. 
Tuy giàu tiềm năng, thế mạnh, nhưng các lợi thế ấy chưa được các tỉnh phát huy để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đơn cử như trong nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu, các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu là những địa phương đóng góp nhiều nhất về kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐBSCL và cả nước, thế nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho con tôm!  Hay ít ra cũng hình thành nên “vựa tôm” chung của khu vực. Chính bất cập này đã kéo theo hàng loạt các mâu thuẫn làm cho con tôm chưa thể phát huy hết giá trị vốn có. Đó là chưa hình thành sàn giao dịch, thị trường để định giá cho con tôm; nạn tranh mua, giành bán ở các tỉnh vẫn còn xảy ra; tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hơn chục năm qua chưa thể xử lý được, vì tỉnh này không mua thì bán cho tỉnh khác cũng được; quyền lợi của người nuôi tôm, trách nhiệm của doanh nghiệp và giải quyết hài hòa lợi ích giữa sản xuất và tiêu thụ chưa tìm được tiếng nói chung… Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, trên thực tế vẫn còn hàng loạt các khó khăn khác đã kìm hãm các tiềm năng, lợi thế của các tỉnh thuộc tiểu vùng BĐCM mà nguyên nhân chính là thiếu hợp tác và liên kết.
Xuất phát từ sự thiếu và chưa liên kết này, nên hàng loạt các vấn đề lớn có tác động trực tiếp đến phát triển của tiểu vùng BĐCM và cả vùng ĐBSCL đến nay chưa thể giải quyết được; chưa tạo nên những tiền đề, lợi thế vực dậy các thế mạnh của vùng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của vùng luôn đứng đầu cả nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Đặc biệt là chưa tạo được tiếng nói chung để đề xuất Trung ương bàn hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho tiểu vùng BĐCM, nhằm giúp tiểu vùng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn “bị ngủ quên” và cần phải được đánh thức ngay từ bây giờ, nhất là trong điều kiện tiểu vùng BĐCM đang phải đương đầu và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Phản ánh bất cập này để thấy rằng, tiểu vùng BĐCM đã và đang mặc “chiếc áo quá chật” và cần có ngay các chính sách đặc thù để tháo gỡ hàng loạt các thách thức vốn tồn tại lâu nay. Chẳng hạn về giao thông, đến nay các tuyến quốc lộ liên kết tiểu vùng BĐCM đầu tư vẫn chưa đạt chuẩn theo quy hoạch (như tuyến Quốc lộ 1A (đoạn Bạc Liêu - Cà Mau), Nam Sông Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp), nhiều tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chậm được mở rộng và hạn chế về tải trọng. Rồi các tuyến giao thông nội vùng (đường tỉnh, đường huyện) có trên 60% số tuyến chưa đạt yêu cầu về cường độ, cấp đường theo quy hoạch. Hệ thống giao thông kết nối với cảng biển, cảng thủy nội địa còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả vận tải đa phương thức. Hệ thống giao thông đô thị chưa được đầu tư đồng bộ nên tình trạng bị ngập cục bộ mỗi khi triều cường, mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt là phổ biến…
Đó là chưa nói đến hạ tầng giao thông để kết nối các tỉnh của tiểu vùng và khu vực còn rất hạn chế. Nhiều thành phố, trung tâm kinh tế của tiểu vùng và vùng đến nay chưa kết nối được với nhau do giao thông bị ách tắc… Trong khi yếu tố giao thông được coi là “huyết mạch” và quyết định hiệu quả của sự phát triển kinh tế.
Không chỉ có giao thông mà hàng loạt các bất cập khác xuất phát từ sự thiếu hợp tác, liên kết cũng làm cho kinh tế - xã hội của tiểu vùng BĐCM chậm phát triển và chưa tạo nên những đột phá mới như: phát triển y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ…

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: L.D

CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ
Khu vực ĐBCSL hàng năm đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm, chủ yếu tập trung ở tiểu vùng BĐCM. Do đó, sự phát triển của vùng và tiểu vùng có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia, nhất là giải quyết về an ninh lương thực và đem về nguồn ngoại tệ. Vì vậy, trong kiến nghị phát triển kinh tế vùng BĐSCL và xây dựng Đề án phát triển kinh tế liên kết tiểu vùng BĐCM, Bạc Liêu kiến nghị Trung ương cần ban hành cơ chế và chính sách đặc thù. Trong đó, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình cấp vùng nhằm làm tăng khả năng thích ứng và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi và hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL và tiểu vùng BĐCM xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xem đây là khâu đột phá. Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp khác… góp phần giúp vùng và tiểu vùng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và phát huy hiệu quả trong liên kết (như liên kết trong phát triển du lịch biển).
Một vấn đề quan trọng khác, vùng ĐBSCL và tiểu vùng BĐCM đến nay vẫn là “vùng trũng” về chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, cần có cơ chế xây dựng quy hoạch, phân luồng đào tạo và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý, tay nghề, chất lượng cao…
Tuy nhiên, để tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù khi được Trung ương chấp thuận, ban hành thì quyết định vẫn là quyết tâm cùng thực hiện mục tiêu liên kết giữa các tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL nói chung và tiểu vùng BĐCM nói riêng. Bài học thiếu liên kết và mạnh ai nấy làm thật sự là một bài học xương máu cần được các tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL đúc kết cho một đồng bằng phát triển thịnh vượng và bền vững trong tương lai.
LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.