Vụ lúa đông xuân: Nông dân trúng mùa nhưng… vẫn lo

Thứ Hai, 20/04/2020 | 15:17

Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực từ đợt hạn, mặn gây ra. Song, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của nông dân, vụ lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh phát triển tốt và cho năng suất cao.

Thương lái thu mua lúa của nông dân ở huyện Phước Long.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh đã xuống giống 47.544ha với các giống lúa chủ lực như: Đài thơm 8, Nàng hoa 9 và một số giống OM. Hiện nay, bà con đang bước vào thu hoạch rộ với năng suất trung bình từ 6 - 6,5 tấn/ha. Ngay sau khi thu hoạch, nông dân có thể bán lúa ngay trên đồng với giá 5.600 - 5.900 đồng/kg lúa (tùy giống). Với giá lúa như trên, bà con lãi trung bình từ 30 - 35 triệu đồng/ha.

Ông Tăng Riêm (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Đầu vụ lúa đông xuân, huyện đã chủ động triển khai kịp thời các giải pháp khắc phục hạn, mặn; điều tiết nguồn nước, nhờ đó lúa của bà con đều phát triển tốt. Gia đình tôi cũng vừa thu hoạch xong 2,5ha lúa đông xuân, lãi hơn 3 triệu đồng/công”.

Theo ông Dương Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: “Trước tình hình xâm nhập mặn rất khốc liệt, huyện đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó như: xây nhiều con đập ngăn mặn để bảo vệ lúa đông xuân; khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp; không cho người dân xuống giống lúa ở những diện tích có nguy cơ cao. Nhờ đó, diện tích lúa bị thiệt hại bởi hạn, mặn giảm đáng kể, bà con có một vụ lúa đông xuân được mùa, được giá.

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết cho từng địa bàn sản xuất; tăng - giảm diện tích linh hoạt theo dự báo nguồn nước; chuyển đổi cây trồng phù hợp; sử dụng giống lúa ngắn ngày và chịu hạn, mặn; phát huy hiệu quả các công trình và hệ thống thủy lợi; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo… Những giải pháp căn cơ này đã làm nên vụ lúa đông xuân thắng lợi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: C.L

Cùng chung niềm vui với nông dân huyện Hòa Bình, anh Trần Văn Hải (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) phấn khởi nói: “Vụ đông xuân năm nay, không chỉ giá lúa tăng mà sâu bệnh cũng ít xuất hiện gây hại. Từ đó chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận cuối vụ khá cao. Hy vọng vụ lúa sắp tới, bà con cũng trúng mùa, được giá”.

Tuy nhiên, gần một tháng nay, vấn đề xuất khẩu gạo luôn là đề tài “nóng”, nhận được rất nhiều sự quan tâm của nông dân ở khu vực ĐBSCL nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng. Bởi, mỗi sự điều chỉnh về giá lúa dù lớn hay nhỏ đều tác động trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân.

Anh Hồ Thanh Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Mấy ngày nay, qua thông tin trên báo, đài, tôi được biết tình hình xuất khẩu gạo còn nhiều vướng mắc nên khá lo lắng. Bởi, nếu doanh nghiệp không xuất khẩu được thì giá lúa sẽ giảm và ảnh hưởng đến đời sống của nông dân”. Còn ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) cho rằng: “Nếu như xuất khẩu gạo bị trì hoãn thì cả doanh nghiệp và người trồng lúa đều bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp thì chậm xoay đồng vốn nên không thể tiếp tục lo vật tư đầu vào cho bà con phục vụ sản xuất. Còn nông dân cũng sẽ phải đối mặt với một vụ mùa khó khăn do doanh nghiệp chậm thu mua lúa”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.