Vụ hè thu: Khó khăn tìm “đầu ra” hạt lúa

Thứ Hai, 03/09/2018 | 17:29

Vụ lúa hè thu 2018, toàn tỉnh xuống giống 60.000ha. Những ngày qua, dù thời tiết khá thuận lợi cho việc thu hoạch nhưng do chờ giá lúa lên nên nhiều nông dân chưa thu hoạch dứt điểm để chuẩn bị cho vụ lúa mới.

Nhiều diện tích lúa hè thu của nông dân bị sâu bệnh phá hại.

Thương lái mua lúa trên địa bàn huyện Hòa Bình. Ảnh: C.L

TIÊU THỤ LÚA GẶP KHÓ

Hiện nay, nhiều diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch nhưng bà con vẫn phải “neo” ngoài đồng vì chưa tìm được thương lái thu mua. Nguyên nhân là do nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh, cháy bìa lá, lem lép hạt, năng suất không đạt như những vụ trước nên thương lái chỉ ưu tiên chọn những cánh đồng lúa “đẹp” để thu mua.

Vụ lúa hè thu 2018, nông dân TX. Giá Rai xuống giống 7.697ha. Hiện lúa đang vào giai đoạn trổ chín và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào trung tuần tháng 9/2018, năng suất ước đạt 5,9 tấn/ha. Thế nhưng, hiện nay việc tìm đầu ra cho lúa đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bé (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) than thở: “Lúa làm đòng đúng vào lúc mưa liên tục nên bị lem lép hạt rất nhiều. Bây giờ đến kỳ thu hoạch thì thương lái lại lấy cớ đó mà ép giá. Thôi thì cũng đành chịu vậy, chứ chẳng lẽ lại để lúa ngoài đồng, không bán?!”.

Một vấn đề làm ảnh hưởng đến giá lúa hè thu là rất ít doanh nghiệp bao tiêu lúa, việc mua lúa phần lớn phụ thuộc vào thương lái, nên không ít nông dân bị ép giá. Anh Trần Công Trứ (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Bây giờ muốn cắt lúa phải đi kiếm người mua rồi mới dám cắt. Nếu không thì sẽ bị ép giá”.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, vụ lúa hè thu, doanh nghiệp ký kết bao tiêu hơn 4.000/13.736ha lúa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích bao tiêu theo hình thức thỏa thuận giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân. Việc thỏa thuận này thiếu tính pháp lý và thiếu điều kiện ràng buộc nên rất dễ bị phá vỡ, và khi xảy ra nông dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

CẦN MỞ RỘNG QUY MÔ LIÊN KẾT

Hiện nay, các địa phương có diện tích canh tác lúa lớn như: huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long… đều có những hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, hầu như những HTX này chỉ dừng lại ở những dịch vụ như: bơm tát nước, vận chuyển lúa, gạo… mà chưa tham gia vào chuỗi tiêu thụ nông sản cho xã viên. Do đó, mỗi khi đến kỳ thu hoạch, xã viên phải tự tìm đầu ra cho  sản phẩm của mình. Mặt khác, một số HTX chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả nên phải giải thể.

Mới đây, tại huyện Hòa Bình, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để bàn việc thành lập chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo theo quy mô lớn. Các đại biểu cho rằng việc liên kết, liên minh giữa các địa phương là rất cần thiết và phải tính đến lợi ích lâu dài cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Ông Mã Thanh Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, cho rằng: “Lâu nay, nông dân thường chịu thiệt thòi vì hết mất mùa thì đến mất giá. Do vậy, các địa phương cần liên kết để kêu gọi doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu. Qua đó giúp nông dân chủ động về giá cũng như có nhiều lựa chọn đối tác hợp tác sản xuất”.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giải pháp mở rộng vùng liên kết, người trồng lúa vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp tỉnh cần sớm có những giải pháp đồng bộ, căn cơ để giúp nông dân không còn cảnh nơm nớp lo lắng mỗi khi lúa vào mùa thu hoạch.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.