Ứng phó xâm nhập mặn vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A: Cơ hội và thách thức

Thứ Sáu, 22/02/2019 | 15:03

Vùng Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) là vựa lúa lớn nhất của tỉnh và cũng là vùng có các mô hình sản xuất đa dạng, phong phú, đặc biệt là mô hình “con tôm ôm cây lúa” mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Song, đây cũng là vùng sản xuất đang đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững, nhất là vấn đề tranh chấp mặn - ngọt vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) kiểm tra tình hình điều tiết nước mặn - ngọt tại TX. Giá Rai.

Mô hình lúa - tôm ở huyện Phước Long.

Trạm bơm nước trữ ngọt phục vụ sản xuất lúa ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Giàu tiềm năng, thế mạnh

Vùng Bắc QL1A của tỉnh có hệ sinh thái đặc thù với 3 tiểu vùng sản xuất mà ít nơi nào có được, gồm: tiểu vùng ngọt, tiểu vùng lợ và tiểu vùng mặn. Tiểu vùng ngọt với diện tích khá lớn, có một phần của TX. Giá Rai, một phần huyện Phước Long và huyện Hồng Dân. Các mô hình sản xuất ở vùng Bắc QL1A đều phát triển ổn định, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Ngoài việc được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu tấn lúa hàng hóa, đây còn là nơi có nhiều mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái.

Tiểu vùng lợ chủ yếu sản xuất 1 vụ  lúa - 1 vụ tôm; ngoài ra, còn có nhiều mô hình sản xuất kết hợp như lúa - tôm, lúa - cá, lúa - tôm càng xanh, lúa - tôm - cua… Còn tiểu vùng mặn chuyên sản xuất tôm.

Theo các chuyên gia kinh tế, vùng Bắc QL1A có tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp. Vùng này có các nhà máy chế biến lúa gạo xuất khẩu tầm cỡ khu vực nên việc thu mua, bao tiêu lúa gạo rất thuận lợi. Các địa phương đã và đang xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lúa lớn theo hướng VietGAP để tập trung vùng lúa nguyên liệu, thuận tiện cho các nhà máy thu mua, chế biến lúa gạo. Đồng thời khuyến khích nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và nghiên cứu giống lúa chịu mặn; xây dựng thương hiệu lúa Một bụi đỏ Hồng Dân…

Có thể nói, vùng Bắc QL1A được xem là vùng kinh tế động lực của tỉnh với tiềm năng sản xuất đa dạng từ cây trồng đến vật nuôi, thủy hải sản… Vì vậy, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án giao thông, thủy lợi để giúp nông dân vận chuyển, giao lưu hàng hóa, nông sản.

Nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, vùng Bắc QL1A chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn, nhiều tiểu vùng sản xuất thường xảy ra tình trạng tranh chấp mặn - ngọt khá gay gắt. Đây là bài toán khó cho tỉnh trong việc điều tiết nước mặn, ngọt đảm bảo phục vụ cho toàn vùng, giải quyết hài hòa lợi ích giữa cây lúa và con tôm.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các khu vực trong cả nước đều bị ảnh hưởng El Nino, song ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL, trong đó có vùng sản xuất phía Bắc QL1A tỉnh Bạc Liêu.

Đơn cử như năm 2015, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và nước mặn đi sâu vào nội đồng. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về bị thiếu hụt - mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Từ đó, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 11 tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Trong 9 tỉnh bị ảnh hưởng nước mặn nghiêm trọng có Bạc Liêu với hàng ngàn héc-ta lúa bị nhiễm mặn gây thiệt hại. Không chỉ thiếu nước ngọt sản xuất, người dân cũng thiếu nước trong sinh hoạt. Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 04 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Sau đó là quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để triển khai các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Hàng năm, từ tháng 1 - 3, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng khiến nông dân lo lắng. Tuy nhiên, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân: “Tư duy cho rằng nước mặn là kẻ thù không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững, hài hòa với thiên nhiên”. Từ đó, mô hình lúa - tôm được coi là mô hình thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn, và vùng Bắc QL1A chính là nơi tận dụng được lợi thế này. Đây là mô hình được các nhà khoa học và thực tế chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả, bền vững, và tỉnh đã có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm.

Thế nhưng, muốn mô hình này phát triển, cần giải quyết hiệu quả vấn đề tranh chấp mặn - ngọt đang xảy ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. Bởi, người làm lúa thì lo bị nước mặn xâm nhập, kẻ nuôi tôm thì chờ nước mặn để bơm vào ao cứu tôm. Để giải quyết bài toán tranh chấp mặn - ngọt và phát huy những lợi thế sẵn có, việc đầu tư thi công các công trình cống ngăn mặn, giữ ngọt khép kín bảo vệ vùng ngọt và thuận tiện cho việc điều tiết nước ở vùng mặn là hết sức cần thiết.

Minh Đạt

----------------------------------------------------------------

Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Mùa khô năm  2019, do dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL ở mức rất thấp nên có khả năng nước mặn xâm nhập sớm, biến động phức tạp và gay gắt. Vì vậy, ngay từ bây giờ bà con cần tích trữ nguồn nước ngọt. Đồng thời chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, nhất là các vùng sản xuất nằm sâu trong các kênh nội đồng khó lấy nước; làm tốt công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.