Ứng phó với biến đổi khí hậu: Nâng cao nhận thức và tăng cường đầu tư

Thứ Hai, 22/04/2019 | 16:03

Trong những năm gần đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Và đây cũng là vùng được dự báo phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do triều cường, hạn hán và xâm nhập mặn. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để thích ứng và sống chung, hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ chính là việc nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về thích ứng với BĐKH.

Triều cường dâng cao gây ngập cục bộ các khu dân cư ven biển (ảnh trên) và khu vực nội ô TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG

Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH. Theo kịch bản BĐKH của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng thêm từ 22 - 30cm thì sẽ có hơn 180.110ha bị ngập, chiếm gần 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; và nếu như lấy ngưỡng mặn 4%0 thì toàn tỉnh sẽ có 74,6% diện tích tự nhiên bị xâm nhập mặn. Với con số dự báo trên, chỉ tính riêng bị ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, Bạc Liêu sẽ mất đi một diện tích sản xuất vô cùng lớn và sẽ đẩy đời sống, sản xuất, thu nhập của hàng trăm ngàn nông dân vào cảnh khó khăn.

Trước những dự báo trên, từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu chung là: Đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống; duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, các-bon thấp, thân thiện với môi trường. Đến năm 2030, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH; giảm đến mức tối thiểu tác động do thiên tai gây ra; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái; phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, đề ra các mục tiêu cụ thể như: Tất cả đảng viên, cán bộ và nhân dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai, nhằm giảm dần thiệt hại về người, tài sản do tác động tiêu cực của BĐKH gây ra. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp và di dời cho người dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân ven biển, rừng phòng hộ và các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao đến nơi an toàn; nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các huyện, thành phố ven biển như: Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Xây dựng hoàn thành các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền; 100% tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản xa bờ được trang bị các thiết bị về thông tin liên lạc, đảm bảo cứu hộ, cứu nạn trên biển. Phấn đấu tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 85%, tỷ lệ sử dụng nước sạch 70% (trong đó khu vực nông thôn là 60%); các cụm, khu công nghiệp đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với thời tiết bất lợi; đồng thời tăng cường trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, đảm bảo nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 14,75% diện tích tự nhiên; tăng cường trồng cây phân tán, cây xanh đô thị trong nhân dân; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững. Nâng cao năng lực và kịp thời dự báo thời tiết nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân…

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Để chủ động ứng phó và thích nghi với BĐKH, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng chung tay ứng phó với BĐKH, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động trong công tác phòng, tránh, hạn chế các tác động tiêu cực của triều cường, nước biển dâng, ngập lụt, mặn xâm nhập, nắng nóng,…

Bên cạnh đó, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, các đồ án quy hoạch đô thị, nông thôn mới của tỉnh phù hợp với kịch bản nước biển dâng; chủ động xây dựng phương án di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư, thực hiện đề án chống ngập đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao như huyện Đông Hải, Hòa Bình, TP. Bạc Liêu.

Đặc biệt, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào, Xóm Lung - Cái Cùng; nâng cấp đê biển Đông, sửa chữa các tuyến đê, kè xung yếu; hoàn thành xây dựng các âu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão; cải tạo, xây dựng hệ thống kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng, trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho tiểu vùng sinh thái ngọt…

Song song đó, chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học về ứng phó với BĐKH; tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh cáo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai. Theo đó, vận động doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới công nghệ sản xuất; phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai. Xây dựng, thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp tỉnh phục vụ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai (trong đó chú trọng đến các giải pháp phi công trình)…

THANH THẢO

Để phát triển bền vững và chủ động sống chung với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với quan điểm chỉ đạo sau:

Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người.

Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ công tác phòng, chữa bệnh, tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.

Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn…

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.