Trị bệnh đạo ôn trên lúa

Thứ Sáu, 10/11/2017 | 16:32

Bệnh đạo ôn là đối tượng có thời gian gây cháy lúa nhanh và gây hại cho cây lúa từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, trổ bông.

Ra quân phòng trừ bệnh đạo ôn. Ảnh: M.Đ

* TRIỆU CHỨNG

Trên lá lúa, vết bệnh có hình thoi rộng ở phần giữa, nhọn ở hai đầu. Vết bệnh có màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm, tiếp giáp giữa mô khỏe có màu nâu nhạt. Kích thước vết bệnh biến thiên từ nhỏ như vết kim, đến lớn từ 3 - 5cm. Khi bệnh nặng, các vết bệnh nối liền nhau tạo thành vết lớn. Bệnh phát triển nhanh, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho bẹ, lá bị cháy khô. Trên thân, cổ bông và gié bắt đầu vết bệnh là một chấm nhỏ màu nâu đen, về sau lớn dần, bao quanh thân, làm cho thân thắt lại, bông lúa gãy tại vị trí cổ bông.

* BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

- Phòng bệnh: Áp dụng bón phân theo quy trình “3 giảm - 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp theo (IPM) ngay từ đầu vụ; bón phân cân đối giữa phân đạm - lân - kali theo nhu cầu cây lúa. Giai đoạn bón phân thúc đòng nên bón dặm theo màu sắc lá lúa. Không bón dư, thừa phân đạm vì sẽ làm tăng bệnh ở giai đoạn làm đòng, trổ bông.

- Trị bệnh: Thường xuyên thăm đồng. Khi thăm đồng chú ý các ổ bệnh phát sinh, ở các ruộng gieo sạ giống nhiễm bệnh, mật độ sạ dày, bón dư phân đạm, lúa có màu xanh đậm để phát hiện vết bệnh sớm, trị bệnh mới đạt hiệu quả cao.

Khi trên lá có vết bệnh hình thoi thì phải ngừng bón đạm, không phun phân bón lá, không để ruộng khô nước. Sử dụng một trong các loại thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”. Đúng thuốc: Sử dụng loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn như Beam 75WP, Katana 20WP, Hagro-Blast 75WP, Mapfamy 700WP… Đúng thời điểm: Phun thuốc khi vết bệnh mới phát sinh. Sau khi phun từ 4 - 5 ngày kiểm tra lại, nếu bệnh chưa giảm thì phun lại lần hai. Đúng liều lượng: Sử dụng đúng liều lượng thuốc, nước khuyến cáo trên nhãn thuốc. Đúng phương pháp: Để phát huy tác dụng của thuốc, khi phun xịt cần pha thuốc, phun rải thuốc đúng phương pháp. Đối với thuốc bột, sau khi đong, lường xong, pha thuốc vào một thau, chậu nhỏ cho tan đều, đổ một nửa lượng nước vào bình xịt, sau đó đổ thuốc vào bình lắc đều và lên thể tích cho đủ. Đối với thuốc nước, đổ một nửa còn lại vào bình, tiếp theo đong, lường thuốc cho vào bình, lắc thuốc tan đều và lên thể tích cho đủ. Khi phun hạ thấp vòi phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá, thân. Khi phun thuốc không đi ngược chiều gió, không phun lúc trời có mưa, giông gió, lúc trưa trời nắng to, lúc lúa đang trỗ nhiều.

Kỹ sư NGUYỄN VĂN VĨNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.