Tôm - lúa: Mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững

Thứ Hai, 02/07/2018 | 17:22

Hiện nay, mô hình tôm - lúa đã được quy hoạch sản xuất ở vùng chuyển đổi của các huyện, thị trong tỉnh như: TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Phước Long… Lúa - tôm được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân tỉnh cấp lúa giống cho nông dân vùng chuyển đổi tôm - lúa.

 Mô hình sản xuất tôm - lúa ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Theo dự báo của các nhà khoa học, trong tương lai không xa nước biển sẽ xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền ở khu vực ĐBSCL. Riêng Bạc Liêu, dự báo sẽ có hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng đưa các mô hình sản xuất thích ứng với sự thay đổi này, trong đó có mô hình tôm - lúa ở vùng Bắc Quốc lộ 1A.

Năm 2010, toàn tỉnh có diện tích canh tác tôm - lúa là 22.134ha, năng suất lúa đạt 4,15 tấn/ha, sản lượng 91,820 tấn/năm; năng suất tôm 250kg/ha, sản lượng 5.440 tấn/năm. Đến năm 2017, diện tích canh tác tôm - lúa tăng lên 33.747ha; sản lượng tôm, lúa tăng lên gần gấp đôi.

Thực tế sản xuất cho thấy, sau vụ nuôi tôm đất trở nên màu mỡ hơn. Chất bùn hữu cơ, vi sinh vật và chất thải của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Nhờ vậy cây lúa phát triển tốt, giúp nông dân giảm bớt chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn lúa nguyên liệu chất lượng, đáp ứng nhu cầu về nông sản “sạch” trên thị trường. Còn sau vụ lúa, khi cải tạo đất để nuôi tôm, phế phẩm rơm rạ phân hủy là nguồn dinh dưỡng kích thích động, thực vật phù du phát triển, trở thành nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm nuôi.

Ông Nguyễn Văn Khánh (xã Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Từ khi chuyển sang hình thức canh tác tôm - lúa, đời sống kinh tế của người dân ở đây ổn định hơn trước rất nhiều. Chi phí sản xuất vụ lúa chỉ bằng 70 - 80% so với trước, nhưng sản lượng lại cao nên mọi người phấn khởi”.

Để đáp ứng cây - con giống cho vùng chuyển đổi tôm - lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã nghiên cứu và khuyến cáo bà con sử dụng các giống lúa có khả năng thích ứng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất tôm - lúa như: OM 2517; OM 6677; OM 4900; AS 996, Một bụi đỏ, BTE 1 (năng suất lúa trung bình đạt 4 - 4,5 tấn/ha).

Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Tỉnh đang tập trung nghiên cứu, nhân rộng thêm các mô hình có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho bà con ở những vùng sản xuất bị ảnh hưởng. Đồng thời, hàng năm đều thực hiện việc sên vét kênh mương, xây mới các công trình ngăn mặn, giúp bà con yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng bền vững”.

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình sản xuất tôm - lúa hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục, tháo gỡ. Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “Để mô hình tôm - lúa phát huy hiệu quả thì ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát, quản lý tốt chất lượng con giống. Đồng thời hệ thống thủy lợi phục vụ  vùng chuyển đổi cần được đầu tư xây dựng khép kín, tránh để xảy ra tình trạng tranh chấp mặn - ngọt ở những vùng giáp ranh. Song song đó, phát triển, mở rộng thêm các đối tượng nuôi để người dân có nhiều sự lựa chọn trong sản xuất”.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.