Tiêu thụ lúa gạo cho nông dân: Cần giải pháp hơn giải cứu!

Thứ Hai, 04/03/2019 | 15:17

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa cho nông dân, giá lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Mặc dù giá lúa tăng không nhiều nhưng đã tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân, góp phần giải quyết có hiệu quả bài toán khó khăn về đầu ra hiện nay.

Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch vụ đông xuân (ảnh trên) và vận chuyển lúa bán cho thương lái. Ảnh: L.D

Giá lúa đã tăng

Khoảng 1 tháng trước, nhiều thương lái đã đặt cọc với nông dân để thu mua lúa với giá hơn 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch rộ ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, giá lúa chỉ còn khoảng 4.200 - 4.500 đồng/kg, thế là nhiều thương lái bỏ cọc chạy lấy người, mặc cho nông dân tự xoay sở.

Điều đáng mừng là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, giá lúa trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu tăng lên. Hiện giá lúa Đài thơm từ 5.000 - 5.200đồng/kg, RVT từ 5.500 - 5.800đồng/kg, OM 5451 từ 5.100 đồng/kg… Song, so với cùng kỳ năm trước thì giá lúa vẫn thấp hơn từ  400 - 500 đồng/kg.

Ở Bạc Liêu, với điều kiện thời tiết và mùa vụ đặc thù nên dự kiến đến hết tháng 4/2019 nông dân mới thu hoạch đứt điểm vụ đông xuân (chậm hơn 1 tháng so với các địa phương khác). Do vậy, thời gian thu mua lúa gạo tạm trữ phải kéo dài đến hết tháng 4/2019, nếu không, nông dân Bạc Liêu sẽ lại phải “tự bơi” tìm đầu ra cho nông sản.

Theo Sở Công thương và Sở NN&PTNT, đến nay Bạc Liêu chưa nhận được chỉ tiêu thu mua lúa gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ. Được biết, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh có tổng diện tích sản xuất hơn 48.580ha. Tính đến cuối tháng 2/2019, toàn tỉnh chỉ thu hoạch hơn 60ha, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha.

Ai hưởng lợi?

Việc giải cứu giá lúa lâu nay chỉ là giải pháp mang tính tình thế và chủ yếu là ứng phó. Hay nói cách khác, việc thu mua lúa gạo tạm trữ chỉ là giải pháp giải quyết khó khăn tạm thời và thiếu bền vững. Trong tương lai, giải pháp này sẽ khó khả thi khi Việt Nam thực hiện các cam kết thương mại về thị trường và phải tuân thủ các nguyên tắc về thị trường không có sự can thiệp của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng một giải pháp mang tính bền vững mà không "cầu cứu" đến sự giải cứu của Chính phủ.

Bài toán đầu ra cho hạt lúa là vấn đề không mới, vì nó đã được nói nhiều, bàn nhiều, nhưng khi triển khai thực hiện lại nảy sinh vướng mắc và tính khả thi không cao. Đơn cử như trong tiêu thụ lúa gạo, nhiều người đã bàn nhiều về mối liên kết “4 nhà”, song trong thực tế là mạnh ai nấy làm.

Sự kết hợp thiếu chặt chẽ này là nguyên nhân chính làm cho giá thu mua lúa gạo luôn bất ổn và khi đến chính vụ là phải giải cứu, và người hưởng lợi trực tiếp gần như không phải nông dân! Cụ thể, đợt thu mua tạm trữ lúa gạo ở vụ đông xuân này, người hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Đó là nhờ doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất vay chỉ 6%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, nông dân phải vay phát triển sản xuất với lãi suất khoảng 12%/năm. Thực tiễn trên cho thấy, cần tính toán lại bài toán đầu tư và có cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù cho nông dân như: vay tín chấp không có tài sản đảm bảo thay vì vay phải thế chấp sổ đỏ, hoặc vay theo mùa vụ, vay theo hợp đồng hay tính theo diện tích sản xuất…

Đẩy mạnh liên kết

Từ chương trình đầu tư tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay thu mua lúa gạo tạm trữ lần này (khu vực ĐBSCL chiếm 50% tổng vốn) cũng cần tính đến chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân. Đó là những doanh nghiệp thực hiện liên kết theo mô hình khép kín (từ khâu đầu vào đến đầu ra và thu mua lúa gạo cho nông dân), đảm bảo nông dân sản xuất có lãi. Đồng thời thực hiện điều chỉnh giá thu mua lúa gạo theo thị trường khi thị trường lúa gạo có biến động nhằm giải quyết hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân.

Điển hình như Công ty Lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân), đầu vụ lúa công ty đã ký kết liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân với diện tích 2.500ha. Ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Lộc, cho biết: “Dù giá lúa trên thị trường có biến động, nhưng công ty vẫn thu mua lúa theo giá đã ký kết hợp đồng với nông dân, đảm bảo bà con có lãi”.

Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng chục doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, nhưng chủ yếu tập trung ở vụ đông xuân, còn các vụ lúa khác (như vụ hè thu) gần như ít ký kết hợp đồng bao tiêu (do vụ lúa hè thu thường gặp rủi ro, dịch bệnh…). Đây là nguyên nhân chính làm cho tổng diện tích liên kết bao tiêu trong nhiều năm qua còn khá khiêm tốn và chỉ dừng ở con số 24,28% diện tích canh tác. Vấn đề này cần được ngành quản lý quan tâm trong việc xây dựng chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân cả 3 vụ lúa/năm.

Để phát triển bền vững và thực hiện đúng các nguyên tắc của thị trường, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần là thực hiện các chính sách hỗ trợ hay ưu đãi về tín dụng, mà còn phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đặc biệt là thực hiện liên kết bền vững và phát huy tốt mối liên kết “4 nhà”. Bên cạnh đó, lúa gạo được xác định là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia và đứng ở vị trí thứ 3 của thế giới sau con tôm. Vì vậy, cũng cần tính đến chính sách bảo hiểm cây lúa khi loại nông sản này đã tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng triệu nông dân.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.