Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU: Nông nghiệp Bạc Liêu tiếp tục phát triển

Thứ Hai, 15/07/2019 | 15:37

Để khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 03 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vấn đề cần phải tập trung giải quyết tốt cho giai đoạn “nước rút” 2019 - 2020.

 Nông dân huyện Hồng Dân cải tạo đồng ruộng phục vụ mô hình sản xuất lúa - tôm.

TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Có thể nói, việc tổ chức sơ kết và đánh giá lại những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 03 hiện nay là vô cùng cần thiết. Đây là dịp để đánh giá lại quá trình tái cơ cấu, xác định những tiền đề trong việc tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra và cả việc hoạch định các chính sách cho phát triển nông nghiệp trong tương lai.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy, nông nghiệp Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả khá quan trọng. Theo đó, tổng giá trị GRDP toàn tỉnh năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 26.199 tỷ đồng, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 10.686 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 3,84%/năm giai đoạn 2016 - 2018. Cụ thể, năm 2018 tổng sản lượng thủy sản đạt 341.262 tấn (tăng 42.762 tấn so với năm 2015). Trong đó, sản lượng tôm 139.000 tấn (tăng 19.992 tấn so với năm 2015), cá và thủy sản khác 202.262 tấn (tăng 22.770 tấn so với năm 2015). Tốc độ tăng bình quân 4,56%/năm (giai đoạn 2016 - 2018). Về sản xuất lúa, năm 2018, diện tích canh tác là 94.483ha, diện tích gieo trồng 185.036ha (trong đó lúa vụ mùa 33.747ha, lúa đông xuân 48.372ha, lúa hè thu 58.818ha và lúa thu đông 44.099ha), sản lượng lúa 1.115.348 tấn (tốc độ tăng bình quân 1,51%/năm giai đoạn 2016 - 2018); lợi nhuận đạt được từ 10 - 23 triệu đồng/ha/vụ lúa. Đồng thời, xây dựng và hình thành vùng chuyên canh lúa quy mô 58.800ha (sản xuất 2 - 3 vụ/năm, với các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương); tiểu vùng sản xuất lúa trên đất tôm - lúa 33.700ha; xây dựng được 21 cánh đồng lớn trên cây lúa, tổng diện tích canh tác 11.372ha, lợi nhuận tăng thêm so với ruộng không áp dụng từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các làng nghề, mô hình sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, nâng cao thu nhập cho người nông dân… tiếp tục được duy trì  và phát huy.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Bạch (TX. Giá Rai).​ Ảnh: L.D

ĐỐI MẶT NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mục tiêu chung được Nghị quyết số 03-NQ/TU đề ra là: Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, hội nhập kinh tế thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển các mô hình sản xuất và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích; xác định các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học - công nghệ mới tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình mẫu phù hợp với từng ngành, lĩnh vực là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng, chống thiên tai. Các cây trồng, vật nuôi chủ lực bao gồm: tôm (sú, thẻ), cua biển, nhuyễn thể, các sản phẩm khai thác biển; lúa, gạo (lúa thơm, lúa chất lượng cao, đặc sản địa phương, lúa hữu cơ), rau sạch; heo, cá sấu và muối ăn chất lượng cao. Tập trung đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, từng bước góp phần đưa ngành Thủy sản của tỉnh phát triển ổn định, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nông thôn mới văn minh, giàu đẹp…

Tuy nhiên, nếu so sánh việc thực hiện mục tiêu này với các kết quả đã thực hiện trong 3 năm qua, thì nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt như mong muốn. Trong khi đó, thời gian thực hiện và tổng kết Nghị quyết số 03 chỉ còn hơn 1,5 năm! Đơn cử, trong việc huy động và khuyến khích thành lập cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, đến nay toàn tỉnh chỉ xây dựng được 23 cánh đồng lớn trên cây lúa, với diện tích canh tác 11.643ha, so với tổng diện tích canh tác lúa hơn 94.480ha. Trong đó, có những địa phương chuyên lúa nhưng đến nay chỉ xây dựng được vài cánh đồng lớn như: huyện Vĩnh Lợi 570ha/5 cánh đồng, huyện Hòa Bình 4.990ha/5 cánh đồng, huyện Hồng Dân 2.658ha/4 cánh đồng, huyện Phước Long 3.315ha/8 cánh đồng và TX. Giá Rai 110ha/cánh đồng. Riêng việc bao tiêu lúa gạo cho nông dân, mỗi năm Bạc Liêu sản xuất cho thị trường trên 1,1 triệu tấn lúa hàng hóa, nhưng con số được bao tiêu hàng năm chỉ chiếm khoảng 23%/tổng sản lượng lúa!

Mặt khác, trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn mới và đảm bảo vệ sinh môi trường, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng thiếu cầu, đường và “khát điện” ở vùng nông thôn vẫn còn, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do rác thải sinh hoạt, sản xuất vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả…

QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU CÒN CHẬM

Nhìn lại quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cho thấy, Bạc Liêu ngoài hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu cơ bản có tính chất chi phối tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp như: đảm bảo an ninh lương thực, góp phần cùng cả nước đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cung cấp nguồn nguyên liệu nông sản hàng hóa, nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu mỗi năm (500.000 tấn lúa, 115.000 tấn thủy sản), đem lại nguồn ngoại tệ chủ yếu cho tỉnh… cũng còn tồn tại nhiều, hạn chế vướng mắc.

Từ thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao, an toàn thực phẩm không đảm bảo, giá trị gia tăng ở nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Hoạt động khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn; một số đề tài nghiên cứu khoa học chậm được ứng dụng vào thực tế sản xuất; trình độ dân trí của nông, ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp; nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế. Các yếu tố đầu vào của sản xuất luôn biến động theo chiều hướng tăng, chất lượng không đảm bảo; công tác dự báo thị trường, định hướng cho người sản xuất còn bất cập; giá cả thị trường các mặt hàng nông sản và dịch vụ nông thôn vẫn chưa có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững, vẫn còn trường hợp phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên việc thực hiện mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn hạn chế. Nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, nhất là mô hình nuôi siêu thâm canh… Đây chính là những bất cập cần được tập trung giải quyết để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.