“Thêm chân” cho ngành Nông nghiệp

Thứ Sáu, 07/12/2018 | 16:55

Việt Nam vừa chính thức công bố sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM), một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc. Thành tựu này ghi nhận sự nỗ lực đầy sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất. Đây là tin rất vui, mở ra triển vọng đầy tiềm năng của ngành chăn nuôi, đồng thời khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu vắc-xin này. Hiện, trên thế giới không nhiều nước sản xuất được loại vắc-xin LMLM.

Việc sản xuất thành công vắc-xin LMLM được các chuyên gia ví như ngành chăn nuôi đã đi được bằng “hai chân”. Nói như vậy bởi Việt Nam có nền chăn nuôi phát triển cả về sức sản xuất và trình độ khoa học, công nghệ nhưng lại bị động. Khó khăn lớn nhất trước đây là chúng ta chưa làm chủ được vắc-xin LMLM và hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh (PCDB) này. Theo Tổ chức Thú y thế giới, bệnh LMLM đứng đầu bảng trong gần 120 bệnh ở động vật cần cảnh báo toàn cầu. Bệnh này nguy hiểm đến mức Tổ chức Thú y thế giới quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc, các sản phẩm gia súc. Đối với heo và các loại gia súc chủ lực trong ngành chăn nuôi của nước ta, LMLM là bệnh cần quan tâm nhất bởi nó rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, thiệt hại về kinh tế và chi phí cho công tác PCDB này khoảng hơn 20 triệu USD, trong đó phần lớn nguồn kinh phí dành để mua vắc-xin. Chúng ta phải nhập khẩu 100% vắc-xin từ nước ngoài. Chính sự khó khăn về vắc-xin dẫn tới có những giai đoạn ngành chăn nuôi của Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng do không thể kiểm soát được dịch bệnh, gia súc chăn nuôi chết hàng loạt ảnh hưởng lớn đến đáp ứng tiêu thụ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo thành công vắc-xin lần này không chỉ là niềm tự hào của ngành khoa học mà còn là niềm tự hào của đất nước. Sản phẩm ra đời không chỉ khẳng định được vị thế mà điều quan trọng nhất là giúp Việt Nam hoàn toàn làm chủ, không bị phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu thế giới vốn thất thường về giá cả, số lượng cung ứng. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Việt Nam sản xuất được vắc-xin LMLM bước đầu có thể giảm giá thành vắc-xin khoảng 20%, giúp người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm; đồng thời góp phần khống chế, tiến tới loại trừ bệnh LMLM ở Việt Nam.

Ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng là một trong những mũi nhọn kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu của ngành không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà phải phát triển thành ngành chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn, xuất khẩu mang lại giá trị cao. Để có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu thì ngoài đòi hỏi chất lượng cao, một yếu tố đặc biệt cần thiết là giá thành phải rẻ mới có sức cạnh tranh. Bởi thế, việc tự nghiên cứu, sản xuất được vắc-xin phòng bệnh là giải pháp cần thiết và bền vững nhất. Đây cũng là bước đi bài bản, khoa học để tiến tới một nền chăn nuôi công nghiệp, hiện đại. Trên thế giới, các nước có nền nông nghiệp phát triển đều là những nước có ngành khoa học tiên tiến. Họ làm chủ được toàn bộ quy trình trong ngành đó, từ con giống, chăn nuôi đến chế biến, xuất khẩu.

Với việc sản xuất thành công vắc-xin LMLM, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, sẽ có nhiều sản phẩm mới với tính thực tiễn cao, quy mô ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội được chính các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu cho ra đời.

 NGUYỄN TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.