Siết chặt kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi lây nhiễm

Thứ Sáu, 08/03/2019 | 15:50

Để ngăn chặn và dập tắt bệnh dịch tả heo châu Phi đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện “5 không”. Đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Ngày 4/3/2019, UBND tỉnh họp báo chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập.

Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật tỉnh phun hóa chất khử trùng xe chở heo nhập tỉnh. Ảnh: C.L

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 7/3/2019 đã có 10 tỉnh, thành phát hiện heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp heo mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan.

Chuẩn bị mọi phương án

Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi do Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (vào ngày 4/3/2019), UBND tỉnh đã tổ chức họp báo nhanh về việc triển khai công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN, đến nay Bạc Liêu chưa phát hiện trường hợp heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch đã được tỉnh triển khai từ tháng 10/2018, sẵn sàng phương án cho tình huống xấu nhất là dịch tả heo châu Phi xuất hiện.

Mỗi ngày, lượng heo nhập tỉnh và vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh để cung cấp cho tỉnh Cà Mau rất cao (khoảng 900 con). Việc vận chuyển heo từ tỉnh này sang tỉnh khác được đánh giá là có khả năng mang mầm bệnh xâm nhập cao nhất. Do vậy, các xe vận chuyển heo qua Bạc Liêu đều được kiểm dịch và phun thuốc sát trùng miễn phí.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo: “Do lượng heo tiêu thụ nhập tỉnh rất lớn, chiếm hơn 70% lượng heo của tỉnh, đây sẽ là nguy cơ lây bệnh cao. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển heo nhập tỉnh tại các cửa ngõ giao thương cả đường bộ và đường thủy. Chủ động và sẵn sàng phương án phòng chống dịch ngay tại chỗ, không được lơ là, chủ quan”.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 về phòng chống bệnh dịch tả châu Phi, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Duy trì các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xảy ra. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận xóm ấp, các cụm dân cư, kịp thời xử lý ngay khi có gia súc bệnh chết. Lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, các lò mổ, điểm giết mổ…). Phát động tổng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại của các hộ chăn nuôi.

Tăng cường tuyên truyền

Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh, cho biết: Bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ lây nhiễm từ heo bệnh sang heo khỏe, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, có một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi thờ ơ, xem nhẹ dịch bệnh và có tâm lý giấu dịch. Khi heo nuôi nhiễm bệnh, họ vẫn bán ra thị trường làm cho mầm bệnh lây lan nhanh chóng”.

Vì vậy, song song với việc triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh dịch tả heo châu Phi, chủ động thực hiện các giải pháp phòng bệnh theo hướng để người dân không hoang mang. Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhấn mạnh: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra các giải pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình của các hộ chăn nuôi mới thật sự mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh, chủ động các biện pháp phòng chống và không hoang mang, tẩy chay thịt heo”.

Mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái. Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận và đang được triển khai thực hiện tại các địa phương có dịch. Đây được xem là giải pháp thiết thực hỗ trợ người chăn nuôi, giúp bà con có vốn xử lý chuồng trại, tái đàn khi dịch bệnh qua đi.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.