Sâu, bệnh tấn công vụ lúa hè thu

Thứ Hai, 06/07/2020 | 17:03

Vụ hè thu 2020, đến nay, nông dân toàn tỉnh đã xuống giống hơn 44.000ha. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thất thường, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sâu, bệnh phá hại, gây ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh trên trà lúa hè thu. Ảnh: C.L

Tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát

Thời gian xuống giống lúa hè thu chính vụ kéo dài từ ngày 10/5 - 10/6/2020, chia làm 2 đợt, với các giống lúa vốn từ lâu đã bén duyên với đồng đất Bạc Liêu như: OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 18, Nàng hoa 8, Đài thơm 8, Lộc trời 1… Đặc biệt năm nay, giống lúa ST 24 được khá nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi lựa chọn để gieo sạ. Hơn một tuần nay, nhiều diện tích lúa bất ngờ bị sâu, bệnh tấn công trên diện rộng khiến nông dân khá lo lắng. Lão nông Nguyễn Văn Hướng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, bà con tranh thủ cải tạo đất để khi điều kiện thời tiết thuận lợi là tiến hành xuống giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Thế nhưng, trước tình trạng nhiều diện tích lúa hiện bị rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá tấn công, dù phun xịt thuốc nhiều lần để bảo vệ lúa nhưng do đang là mùa mưa nên tác dụng của thuốc không nhiều”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, vụ hè thu năm nay, toàn huyện xuống giống hơn 15.500ha, nhưng hiện có hơn 7.000ha lúa bị sâu hại và nhiễm bệnh. Để giúp nông dân bảo vệ trà lúa hè thu, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp cùng với nông dân phòng, trị bệnh cho lúa.

Cánh đồng gần 40ha vừa gieo sạ chưa bao lâu ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) cũng bị sâu cuốn lá tấn công trên diện rộng. Mặc dù bà con đã tốn chi phí phun xịt, bơm nước gấp đôi so với các vụ trước, nhưng tình hình sâu, bệnh vẫn chưa được tiêu diệt triệt để. Đưa tay về phía 6 công lúa đang bị rầy nâu hoành hành, ông Trần Văn Chinh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) không giấu vẻ lo lắng: “Vụ nào cũng vậy, khi lúa bước vào giai đoạn khoảng hơn 20 ngày sau khi gieo sạ là lại xuất hiện một đợt sâu, bệnh gây hại nên mọi người đã chủ động phòng ngừa sớm. Thế nhưng năm nay, dù đã phun xịt thuốc vài lần rồi mà lúa vẫn bị sâu, bệnh tấn công khiến tôi và nhiều bà con đứng ngồi không yên”.

Chủ động phòng chống sâu, bệnh cho lúa

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Hiện diện tích lúa hè thu bị sâu, bệnh tấn công gần 10.000ha. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay thì các giải pháp phòng trừ các dịch hại cũng ít nhiều bị chi phối. Để bảo đảm vụ lúa hè thu 2020 thắng lợi, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác, các biện pháp phòng, trị các loài dịch hại; tập trung phát triển lúa đặc sản gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: “1 phải - 5 giảm”, sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu, sâu cuốn lá… Theo các ngành chuyên môn, từ nay đến giữa vụ cần chú ý đến rầy nâu, nhất là cuối vụ mưa nhiều thì bệnh đạo ôn cũng sẽ phát triển. Ngoài việc giữ nước ở mức vừa phải, cần quan sát thiên địch, nếu mật độ thiên địch nhiều thì chẳng cần phun thuốc. Cần áp dụng quản lý tổng hợp bao gồm chọn giống, chọn thời điểm gieo sạ phù hợp với con nước và né rầy; sạ thưa theo hàng, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Thời điểm này, trời ít nắng, đối với diện tích lúa bị bóng râm thiếu ánh nắng nên quang hợp kém. Để khắc phục, khi sạ chú ý không được sạ dày, bón phân phải cân đối.

Khi bón phân cần sử dụng bảng so màu lá lúa để quyết định. Tuyệt đối không được sử dụng phân bón lá khi cây đang bệnh vì lúc này phun phân bón lá là cung cấp dinh dưỡng, nhất là các vi lượng thêm cho vi khuẩn, nấm khiến cho chúng hoạt động mạnh hơn, gây hại nhiều hơn. Khi lúa bị bệnh, dứt khoát phải chữa trị bệnh rồi mới sử dụng phân bón lá để bổ sung. Ở ruộng lúa 20 ngày tuổi cũng vậy, phải sử dụng thuốc đặc trị trừ bệnh đạo ôn, sau đó mới bón phân đợt 2. Trên cơ sở khuyến cáo của ngành chuyên môn thì nông dân cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng nhằm kịp thời phát hiện sâu, bệnh gây hại và có biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả.

Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên trà lúa hè thu thì đơn vị cũng tiến hành củng cố lại công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng để có thể chủ động trong việc điều tiết nước giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất”.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.